Sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ, thế hệ Z (Gen Z) là những "công dân số" đích thực, những người học có khả năng phản hồi cao, tận dụng công cụ hiệu quả và phương pháp học tập tích cực.
Tuy vậy, đại dịch toàn cầu đã đặt Gen Z vào một tình huống thách thức: ít kinh nghiệm làm việc trong các văn phòng thực, cơ hội giao lưu và học hỏi từ đồng nghiệp. Điều đó ảnh hưởng tới khả năng gắn kết lâu dài, phát triển và bộc lộ tài năng cho đội ngũ nhân sự trẻ này.
Nâng cao kỹ năng cho nhân viên Gen Z không chỉ là một thách thức trong thế giới hậu đại dịch, mà còn là một yêu cầu thiết yếu để giữ chân họ. So với các thế hệ trước, Gen Z có các bộ kỹ năng, thói quen học tập và động lực hoàn toàn khác.
Cách học của Gen Z
Gen Z là thế hệ đầu tiên lớn lên gắn liền với điện thoại thông minh. Điện thoại và kết nối mạng là cách họ giao tiếp, sử dụng thông tin, kết nối với các cơ hội và học hỏi. Họ là những người học tích cực, nhanh chóng và độc lập, muốn kết nối mọi thứ họ nghe, thấy và đọc với thế giới thực.
Thay vì ngăn cản nhu cầu sử dụng thiết bị di động liên tục của thế hệ Z, tổ chức, doanh nghiệp có thể đẩy nhanh việc nâng cao kỹ năng bằng cách cho phép họ sử dụng điện thoại thông minh trong công việc, biến những thiết bị này thành công cụ học tập.
Khoảng thời gian chú ý của Gen Z cũng rất ngắn - khoảng 8 giây, so với khoảng 12 giây của thế hệ Y (ước tính sinh năm 1981-1996). Điều đó có nghĩa là các chương trình đào tạo định dạng dài với những lời giải thích phức tạp không còn phù hợp. Việc cung cấp nội dung học tập dễ hiểu thông qua các công cụ quen thuộc với thế hệ trẻ sẽ đem lại hiệu quả hơn.
Vừa học vừa làm
Gen Z là thế hệ khá thực tế. Phương pháp học theo kiểu bài giảng tuần tự không còn phù hợp và thúc đẩy sự tham gia của họ. Theo Báo cáo "Hiểu về thế hệ Z" của Barnes & Nobles, công cụ nào trong đào tạo tại môi trường làm việc?", khoảng 51% người tham gia học tốt nhất thông qua trải nghiệm học tập thực hành, trong khi chỉ 12% học bằng cách lắng nghe. Theo đó, để thu hút một nhân sự trẻ tham gia đào tạo, các tổ chức cần tạo ra một môi trường vừa học vừa làm.
Có nhiều định dạng học tập thân thiện với Gen Z như: trò chơi, mô phỏng, nghiên cứu, hackathon, chạy đua kỹ năng... Khóa đào tạo càng thực tế, thế hệ trẻ sẽ càng tham gia nhiều hơn.
Công nghệ là công cụ học tập
Đào tạo đầu vào cho một nhân viên mới cũng khá giống với tiếp thị thông thường: bạn cần tiếp cận đối tượng mục tiêu của mình trong môi trường sống bản địa của họ. Với thế hệ Z, mạng xã hội, ứng dụng game hoặc các công cụ giao tiếp như WhatsApp là "môi trường sống". Doanh nghiệp có thể đẩy nhanh quá trình học tập nếu tận dụng mong muốn tự nhiên của thế hệ Z là kết nối và học hỏi từ các đồng nghiệp trong môi trường trực tuyến này.
Đào tạo chéo
Theo báo cáo Xu hướng Nguồn nhân lực toàn cầu năm 2021 của Deloitte, việc thiết kế lại công việc xoay quanh trải nghiệm của nhân viên là điều bắt buộc đối với các công ty muốn phát triển mạnh. Các chương trình luân chuyển, đào tạo chéo hay thậm chí là cố vấn giữa các phòng ban khác nhau có thể giúp nuôi dưỡng sự tò mò của thế hệ này và tăng động lực phát triển trong công ty.
Mặc dù thiếu kinh nghiệm nhưng nếu được chủ động và khám phá, Gen Z có thể khiến các nhà quản lý ngạc nhiên trước chất lượng ý tưởng và sự sáng tạo của các nhân viên trẻ.
Thăng tiến là động lực chính để học hỏi
Học các kỹ năng có thể ứng dụng ngay là ưu tiên hàng đầu của Gen Z và họ sẽ tham gia nhiều hơn nếu các kỹ năng đó liên quan trực tiếp đến sự phát triển nghề nghiệp. Theo Báo cáo học tập của LinkedIn 2021, khoảng 76% nhân viên thuộc Gen Z kết nối học tập với cơ hội thăng tiến - cao hơn các thế hệ khác.
Tuy nắm bắt các kỹ năng kỹ thuật khá nhanh và có thể tự học thông qua các nguồn trực tuyến có sẵn nhưng Gen Z thiếu kỹ năng mềm. Do đó, việc thiết kế các chương trình tương tác, cho phép nhân viên trẻ phát triển cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng giao tiếp, kết nối sẽ tăng kết quả học tập cho nhóm này.
Số lượng nhân viên Gen Z sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Nâng cao kỹ năng cho họ trong giai đoạn đầu của sự nghiệp là rất quan trọng. Điều quan trọng mà doanh nghiệp, tổ chức cần lưu ý là tạo không gian để họ thử nghiệm, phân tích và đưa ra các giải pháp riêng, cũng như khai thác học tập thông qua công nghệ mà họ hiểu và sử dụng hàng ngày. Nếu bạn thấy họ đang xem video TikTok, rất có thể họ đang học Excel.
Nguyên Chương (Theo World Economic Forum)