"Tôi cần làm gì? Tôi có những lựa chọn nào", binh sĩ Ukraine hỏi nhóm kỹ thuật viên quân sự Mỹ đóng quân ở một căn cứ tại đông nam Ba Lan. Cuộc trao đổi được thực hiện qua nhóm chat bảo mật trên điện thoại và máy tính bảng, giúp các binh sĩ và nhà thầu quân sự Mỹ hỗ trợ lính Ukraine mọi lúc mọi nơi.
Thành viên của nhóm kỹ thuật viên Mỹ nhanh chóng khuyên binh sĩ Ukraine tháo khóa nòng phía sau khẩu lựu pháo rồi hướng dẫn cách khắc phục với kim hỏa. Binh sĩ này làm theo hướng dẫn và khẩu pháo 155 mm tiếp tục hoạt động.
Cuộc trao đổi này là một phần trong đường dây nóng của Mỹ nhằm hỗ trợ binh sĩ Ukraine khắc phục sự cố với khí tài hạng nặng trong các trận đánh khốc liệt. Khi Mỹ và đồng minh chuyển vũ khí với công nghệ cao và ngày càng phức tạp đến Ukraine, nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật trên tiền tuyến càng tăng.
Mỹ và các quốc gia thành viên NATO không muốn điều binh sĩ tới Ukraine để thực hiện nhiệm vụ này, do lo ngại châm ngòi đụng độ quân sự trực tiếp với Nga. Bởi vậy, đường dây nóng là hình thức hỗ trợ khả thi nhất.
Nhóm hỗ trợ của Mỹ đóng quân tại một căn cứ quân sự ở Ba Lan. Họ cho biết binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến thường xuyên nhờ hướng dẫn cách sửa lựu pháo và nhu cầu này ngày càng tăng. Vài tháng trước, nhóm hỗ trợ có 50 thành viên, nhưng con số này sẽ tăng lên 150 trong vài tuần tới.
Nhóm này đang có khoảng 20 quân nhân Mỹ, số còn lại là nhân viên và nhà thầu dân sự. Họ hy vọng nhóm sẽ tiếp tục phát triển khi những vũ khí tinh vi mới được chuyển tới Ukraine, cũng như các phòng chat mới được lập ra để hỗ trợ.
"Rất nhiều lần chúng tôi nhận yêu cầu hỗ trợ ngay trên chiến tuyến, nơi những trận đấu pháo có thể đang diễn ra ngay lúc chúng tôi giúp họ khắc phục sự cố nhanh nhất có thể", một kỹ thuật viên cho biết. "Đôi khi chúng tôi phải chờ một chút, cho tới khi binh sĩ Ukraine có thể đến địa điểm an toàn hơn".
Một sĩ quan cho hay vấn đề chính là binh sĩ Ukraine đang đẩy vũ khí đến giới hạn, khi khai hỏa với tần suất chưa từng thấy trong thời gian dài. Với tần suất sử dụng như vậy, lính Mỹ thường sẽ đưa vũ khí về kho để sửa chữa hoặc loại biên chúng.
Sĩ quan này cho biết sau khi bắn liên tục hàng nghìn phát đạn, các rãnh khương tuyến trong nòng một khẩu lựu pháo gần như bị mòn hoàn toàn. "Họ đang dùng loại pháo này theo cách mà chúng tôi không lường trước được", sĩ quan Mỹ thuộc nhóm hỗ trợ nói. "Chúng tôi đang thực sự học từ họ bằng cách xem vũ khí có thể chịu đựng đến mức nào và đâu là giới hạn của chúng".
Quân đội Ukraine thường không thích chuyển vũ khí ra nước ngoài để sửa chữa mà muốn tự làm điều này. Các quan chức Mỹ nhận định quân đội Ukraine khắc phục 99% sự cố khí tài và tiếp tục sử dụng chúng.
Ngoài những lần trao đổi về sự cố của lựu pháo, nhóm hỗ trợ còn nhận yêu cầu giúp đỡ từ những binh sĩ bị hóc súng, hay xe thiết giáp bị chết máy.
"Rất nhiều trường hợp khi ở tiền tuyến, họ không thể quay video vì mạng di động gặp sự cố", một binh sĩ Mỹ phụ trách bảo trì cho biết. "Họ thường chụp ảnh và gửi vào nhóm chat để chúng tôi chẩn đoán sự cố".
Một binh sĩ Mỹ cho hay sau nhiều lần được hướng dẫn trực tuyến, lính pháo binh Ukraine ngày càng cải thiện kỹ năng sửa chữa vũ khí, thậm chí hàn lại những bộ phận bị vỡ của khẩu pháo.
"Trước đây, họ không thể hàn bộ phận bằng titan của khẩu pháo, nhưng giờ đã làm được", binh sĩ này nói, cho hay khẩu pháo gặp sự cố đã có thể khai hỏa trở lại sau khi được lính Ukraine sửa chữa.
Để đưa ra lời khuyên, các chuyên gia Mỹ phải chẩn đoán sự cố, tìm hướng khắc phục rồi dịch sang tiếng Ukraine. Họ dự tính mua thiết bị dịch thuật tự động trên thị trường để nhanh chóng xem nội dung được các binh sĩ Ukraine chuyển đến.
Nhóm hỗ trợ cũng hy vọng tăng cường năng lực chẩn đoán sự cố khi các hệ thống vũ khí ngày càng phức tạp được phương Tây chuyển đến cho Ukraine, cũng như tăng chủng loại và số lượng phụ tùng thay thế họ có. Nhóm nhận định tổ hợp tên lửa phòng không Patriot mà Mỹ sắp chuyển tới Ukraine sẽ là thách thức lớn khi đòi hỏi chuyên môn cao hơn trong chẩn đoán và khắc phục sự cố.
Nhóm hỗ trợ này là một phần mạng lưới hậu cần ngày càng mở rộng và trải khắp châu Âu để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Khi các quốc gia gửi khí tài của riêng mình, họ cũng thành lập các đội hỗ trợ sửa chữa ở nhiều địa điểm khác nhau để hỗ trợ Ukraine.
"Khi chúng tôi chuyển thêm nhiều thiết bị tiên tiến như thiết giáp Stryker, M2 Bradley và xe tăng chiến đấu chủ lực, hoạt động bảo dưỡng sẽ phải tăng lên", Douglas Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm, nhận định. "Tôi cho rằng chúng tôi đã nhận thấy thách thức và lục quân Mỹ biết cách giải quyết chúng".
Nguyễn Tiến (Theo AP)