Trong bài phát biểu từ Nhà Trắng ngày 25/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden hết lời khen ngợi Thủ tướng Olaf Scholz sau thông báo rằng Mỹ và Đức sẽ cùng gửi xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine.
"Đức đã thực sự bước lên và Thủ tướng Đức là một tiếng nói vô cùng mạnh mẽ cho sự đoàn kết và cho những nỗ lực mà chúng tôi đang tiếp tục thực hiện", ông Biden nói.
Trước đó một ngày ở Berlin, Thủ tướng Scholz cũng hào hứng không kém khi nói rằng mối quan hệ với Washington đã tốt hơn rất nhiều so với "thời gian dài" trước đây và ông có sự "hòa hợp thực sự" với ông Biden.
Kế hoạch chuyển giao xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất và Leopard của Đức đã đáp ứng được mong mỏi ở Kiev và được xem là bước ngoặt mới trong phản ứng xuyên Đại Tây Dương đối với cuộc chiến của Nga.
Song để đạt được bước đột phá này, Đức và Mỹ đã trải qua nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, những thay đổi trong chính sách và bước nhảy vọt trong niềm tin giữa Washington và Berlien, vốn được coi là đóng vai trò trụ cột của liên minh phương Tây. Nó cũng cho thấy trong tất cả các cuộc trao đổi về vai trò lãnh đạo thế giới, châu Âu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ như bên đảm bảo an ninh cho họ.
"Chúng ta có chính sách của phương Tây, nhưng không có chính sách của châu Âu. Mọi người đều hướng về Washington", Liana Fix, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ, nói.
Căng thẳng bắt nguồn từ một chính sách mà ông Scholz kiên trì theo đuổi. Ông khẳng định sẽ không gửi xe tăng Leopard cho Ukraine nếu Mỹ không chuyển xe tăng Abrams cho Kiev.
Cuộc điện đàm ngày 17/1 giữa ông Biden và ông Scholz vừa phơi bày rạn nứt giữa hai bên, vừa tạo tiền đề cho thỏa thuận đạt được tuần này. Tổng thống Biden trong cuộc điện đàm giải thích rằng Mỹ ngần ngại chuyển xe tăng Abrams tới Ukraine do những khó khăn về hậu cần và kỹ thuật. Thủ tướng Đức phản bác bằng cách tuyên bố Mỹ và Đức luôn "song hành" trong cung cấp vũ khí cho Kiev, ngụ ý rằng Berlin sẽ chỉ chuyển xe tăng chủ lực khi Washington làm như vậy.
Các quan chức Đức nói rằng cách tiếp cận này đã có tiền lệ. "Bất kỳ khi nào chúng tôi quyết định gửi vũ khí mới cho Ukraine, chúng tôi đều ra thông báo cùng lúc với các đồng minh thân cận nhất, trước hết là Mỹ", một quan chức cho hay.
Tổng thống Mỹ cam kết sẽ phản hồi vấn đề này với ông Scholz. Cuối ngày hôm đó, ông gặp Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, nói với họ rằng ông muốn tìm giải pháp.
"Điều quan trọng đối với Tổng thống Biden là duy trì sự đoàn kết và hỗ trợ cho Ukraine", một quan chức Nhà Trắng nói.
Những gì diễn ra sau đó là hàng loạt cuộc đàm phán do ông Sullivan chủ trì, chủ yếu với người đồng cấp Đức Jens Plotner, để tìm cách khiến Berlin đồng ý chuyển xe tăng cho Ukraine. Quan chức Nhà Trắng cho biết Sullivan đã cố đảm bảo đóng góp của châu Âu là lớn nhất có thể.
Về mặt công khai, tình hình tiếp tục căng thẳng. Trong cuộc gặp với nhóm nghị sĩ Mỹ ở Davos ngày 18/1, Thủ tướng Đức nhắc lại quan điểm rằng Mỹ cần chuyển xe tăng của họ cho Ukraine.
"Ông ấy hoàn toàn rõ ràng", Seth Moulton, nghị sĩ đảng Dân chủ tham dự cuộc họp, chia sẻ và nghĩ rằng đó là lập trường hoàn toàn hợp lý.
Đức chọn cách tiếp cận này với niềm tin rằng bằng cách cùng nhau gửi xe tăng tới Ukraine, các đồng minh phương Tây sẽ giảm nguy cơ bị Nga trả đũa. "Điều đó có nghĩa không quốc gia đơn lẻ nào phải đối mặt với những lời chỉ trích và đe dọa từ Nga mà chúng ta thường thấy", lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức Lars Klingbeil nói.
Nhưng tới ngày 20/1, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm căn cứ không quân Ramstein của nước này ở miền tây Đức, việc không đạt được thỏa thuận đã khiến áp lực gia tăng với cả hai bên. Cuộc họp ở Ramstein nhằm thể hiện sự thống nhất của phương Tây và hy vọng Đức sẽ đưa ra thông báo chuyển xe tăng Leopard. Tuy nhiên, cuộc họp không mang đến bước đột phá nào, khiến Ukraine và nhiều quốc gia khác thất vọng, đồng thời thúc đẩy Washington phải cân nhắc lại về việc chuyển xe tăng Abrams.
Trong khi đó, các nhà lập pháp ở Đồi Capitol ngày càng lo lắng.
"Bộ trưởng Quốc phòng đã tới Ramstein và không có gì thay đổi bởi Đức không thay đổi lập trường. Khi ông ấy trở lại, một số người chúng tôi đã nói rằng 'hãy chuyển những chiếc xe tăng chết tiệt đó đi'", Moulton nói.
Tới cuối ngày 23/1, quan chức Mỹ vẫn công khai hạ thấp khả năng gửi xe tăng Abrams tới Ukraine. Nhưng đây là một ngày đàm phán quan trọng.
Ông Sullivan và Plotner đã trao đổi ba lần, đồng thời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã gặp Tổng thống Biden để nghe chỉ thị đàm phán cuối cùng.
Bộ trưởng Austin cũng đưa ra đề xuất mới với ông Biden rằng hãy gửi xe tăng Abrams cho Ukraine để giải quyết những thách thức. Sang ngày 24/1, Tổng thống Mỹ đã phê duyệt thỏa thuận.
Cách tiếp cận của ông Scholz gây tranh cãi ngay cả ở Đức, nơi một số người trong liên minh ba đảng của ông lo lắng về những tổn hại có thể có đối với quan hệ Mỹ - Đức. Bằng cách duy trì quan điểm rằng việc Mỹ chuyển giao Abrams là điều kiện tiên quyết, ông Scholz "đã thành công gây áp lực cho Tổng thống Biden", theo một quan chức ở Berlin.
Tổng thống Biden ngày 25/1 đã bác bỏ mọi ý kiến cho rằng ông bị Thủ tướng Đức gây áp lực. "Đức không ép buộc tôi phải thay đổi suy nghĩ. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi luôn sát cánh cùng nhau", ông nói.
Thỏa thuận đã cho thấy cách tiếp cận của ông Biden đối với ông Scholz, thường được mô tả là "kiên nhẫn chiến lược" với Berlin. Mỹ đã tránh mọi áp lực hoặc chỉ trích công khai đối với Đức về việc nước này chần chừ thực hiện một số bước nhất định, cả lệnh trừng phạt Nga hay viện trợ quân sự cho Ukraine.
Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Washington, nói rằng việc ông Biden thay đổi có nghĩa ông Scholz có thể coi đây là thành công dành cho công chúng Đức, những người đang tranh cãi liệu Đức có khôn ngoan khi gửi xe tăng cho Ukraine hay không.
Tuy nhiên, ông nói quá trình cân nhắc quá lâu đã gây tổn hại thêm hình ảnh của Đức. "Nhiều người xem cách tiếp cận trì hoãn chiến lược của ông Scholz là gánh nặng", Ischinger nói.
"Rất khó để Đức đi đến quyết định này và chúng ta cần tôn vinh điều đó", Heather Conley, chủ tịch Quỹ German Marshall của Mỹ, nói. "Tuy nhiên, quá trình do dự, cân nhắc và khiến mọi người phải chờ đợi lặp đi lặp lại sẽ khiến các đồng minh mệt mỏi và làm suy giảm sự thống nhất giữa họ".
Giới chức ở Berlin cho rằng sự thất vọng của một số đồng minh là không hợp lý, bởi Đức vẫn là nước cung cấp hỗ trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ.
Ngoài ra, Berlin cho rằng nhiều đồng minh của Đức không hiểu thế khó của họ. "Nếu xe tăng Đức xuất hiện trên chiến trường, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể nói 'hãy nhìn xem, đó là những gì tôi nói từ trước. NATO đang can thiệp vào cuộc chiến này'. Nó là câu chuyện của RT được quan tâm rất nhiều ở Mỹ Latinh và châu Âu. Chúng tôi cần thận trọng với điều này", một quan chức nói.
Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại RAND Corp ở Mỹ, nói rằng một thông báo chung về cung cấp xe tăng, được các đồng minh của Scholz ở Berlin ca ngợi là thành công lớn của ngoại giao Đức, là "kết quả tốt nhất" có thể hy vọng trong tình cảnh hiện tại.
"Duy trì liên minh không dễ dàng. Washington đã cho Berlin thấy rằng họ sẵn sàng làm điều gì đó mà họ lẽ ra không làm vì lợi ích của mối quan hệ này. Đó là những gì cần làm để duy trì liên minh", Charap nói.
Thanh Tâm (Theo FT)