Tôi không cùng quan điểm với bài viết "Người tốt mới không cho mượn ôtô". Theo tôi, cuộc sống con người bản chất phải dựa trên các mối quan hệ, gồm cần giúp đỡ và giúp đỡ người khác. Sống như vậy mới là "cộng sinh" và là bản chất của văn minh xã hội. Văn minh lại được xây dựng trên tiêu chuẩn văn hóa, kỹ năng sống, giao tiếp và thế là nếu ai đã khẳng định tôi không cần mượn xe, tôi không bao giờ cho mượn xe đều mang ý nghĩa nhiều tiêu cực.
Một người lịch sự và tự trọng đến đâu nhiều lúc trong cuộc đời cũng phải có lần đi mượn xe, không chỉ ôtô đắt tiền mà là xe má hay thậm chí xe đạp. Nếu cứng nhắc quan điểm tôi không mượn và sợ rủi ro, sợ làm phiền chủ xe thì khác nào tự làm khó mình trong một số tình huống.
Khi mượn xe, quan trọng là bạn cần thành thật với chủ xe rằng tôi mượn đi công việc cấp thiết, chứ không phải mượn để ra oai, đi lượn với bổ. Bạn chỉ cần mập mờ, lý do mượn không thực sự vì công việc chẳng khác nào tự hạ thấp giá trị bản thân. Có thể chủ xe không nói nhưng sẽ tự đề phòng bạn những việc khác trong cuộc sống. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ chiếc xe trước khi mượn, tránh mượn những dòng xe quá đắt tiền hoặc tính năng không phù hợp với kỹ năng điều khiển của bạn. Đặc biệt, mượn xe cũng cần biết trả ơn chủ xe bằng cách đổ xăng, rửa xe, mời đi ăn uống cafe và hỗ trợ nhau việc khác trong cuộc sống.
Đối với chủ xe nên áp dụng thói quen đặt câu hỏi đối với người mượn xe. Từ chối thẳng thừng không hẳn là cách hay, bởi từ chối với mỗi người một kiểu. Nếu chủ xe không khéo sẽ dẫn đến hiểu lầm. Bạn có thể "ra tín hiệu" rằng xe thường sử dụng bận hoặc đã cho người khác mượn vào thời điểm đấy. Nếu cho mượn nên hỏi thật kỹ người mượn trong bao lâu, đi đâu... Nếu người mượn mới biết lái, bạn cũng cần thẳng thắn trao đổi, tránh cả nể, xuề xòa và lỡ sau này có sự cố rất khó nói chuyện. Những câu hỏi đối với người mượn là một thủ thuật "đánh động" khéo léo rằng tôi cũng là người cẩn thận, chứ ko phải dễ dãi mà cho mượn đâu. Mượn xe của tôi phải biết giữ gìn đấy.
Độc giả Thanh Thanh