Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (kết hợp giữa thành quả của 3 cuộc Cách mạng Công nghiệp trước đó với thế giới kỹ thuật số) đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với động lực là sự phát triển về khoa học - công nghệ. Giới phân tích đánh giá xu hướng này sẽ tác động lên mọi khía cạnh của nền kinh tế. Nó cũng đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự đi lên của các nước dựa vào công nghệ - sáng tạo.
Đây cũng là một trong những chủ đề nóng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2017 đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ). Tại hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Infosys, Salesforce, General Motors… đã cùng bàn bạc về vấn đề: "Làm thế nào để vượt qua thời kỳ mà công nghệ trực tuyến, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống".
Ông Vishal Sikka - CEO hãng phần mềm hàng đầu Ấn Độ - Infosys nhận xét: "Có thể nói, sự phát triển của công nghệ đã tác động lớn đến cuộc sống của con người. Hầu như tất cả biến động về chính trị, kinh tế, xã hội trong 10 năm qua đều gắn bó mật thiết với những đổi mới sáng tạo về công nghệ".
Ông Sikka cho rằng các doanh nghiệp cần phải rất thận trọng, tỉnh táo trước những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trước nguy cơ máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế con người, ông nhận định các nước cần tăng đào tạo để giúp lao động duy trì việc làm.
CEO HP - Meg Whitman cũng cùng chung quan điểm công nghệ đang thay đổi mọi ngành nghề, với tốc độ ngày một lớn. Vì vậy, "lãnh đạo cần lắng nghe và có trách nhiệm trong doanh nghiệp. Tức là họ cần cung cấp cho nhân viên các kỹ năng cần thiết để ứng phó với làn sóng thay đổi sắp tới".
Bên cạnh đó, các lãnh đạo cũng nhận định dù phải trải qua quá trình chuyển dịch "đau đớn", Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vẫn được kỳ vọng làm tăng số việc làm trên toàn cầu. Manpower - một trong những công ty nhân lực lớn nhất thế giới vừa công bố báo cáo Skills Revolution trong thời điểm diễn ra Davos. Họ đã khảo sát 18.000 lãnh đạo doanh nghiệp tại 43 quốc gia. Theo đó, 82% người tham gia dự báo số việc làm sẽ vẫn được duy trì, hoặc tăng lên, nhờ tự động hóa.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng được coi là cơ hội của những nước đi sau như Việt Nam. Năm 2015, các khoản đầu tư vào công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã tăng gấp 2,3 lần so với 2014.
"Cả thế giới, các tập đoàn công nghệ, công nghiệp công nghệ,.. đều đang nói về Internet of Things, chuyển đổi số,trí tuệ nhân tạo", Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình cho biết bên lề WEF năm nay. Đây là lần thứ 5 tập đoàn này góp mặt tại Davos.
"WEF là diễn đàn có giá trị thực sự đối với các doanh nghiệp tham gia như FPT. Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ, tiếp xúc và tìm kiếm cơ hội hợp tác với những người đang dẫn dắt những cuộc chơi công nghệ và kinh doanh. Sau WEF, FPT cũng đã có những hợp tác thực sự với những đại gia lớn trên thế giới", ông Bình cho biết.
FPT hiện là đối tác khu vực của GE trong lĩnh vực công nghiệp IoT (Industrial Internet of Things). Tập đoàn này cũng sở hữu chứng nhận đặc biệt từ Amazon Web Services (AWS).
WEF Davos là hội nghị thường niên lớn nhất của WEF, quy tụ lãnh đạo cấp cao các nước, tổ chức quốc tế lớn và các tập đoàn hàng đầu thế giới. Sự kiện năm nay có hơn 3.000 đại biểu, trong đó có hơn 40 nguyên thủ quốc gia. Hội nghị có khoảng hơn 400 phiên thảo luận với chủ đề "Lãnh đạo trách nhiệm và hành động".
Hà Thu