Long An là tỉnh công nghiệp sôi động bậc nhất phía Nam đồng thời vẫn giữ đời sống nông nghiệp đặc trưng. Để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp - nông nghiệp, kinh tế - xã hội, địa phương xem việc đào tạo nâng cao chất lượng là mục tiêu ưu tiên. Năm 2024, tỉnh triển khai nhiều hoạt động để đáp ứng mục tiêu này.
Theo đó, địa phương Tây Nam bộ đã tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho hơn 36.000 học sinh đang học lớp 9, 12. Có gần 8.000 học sinh tham quan, trải nghiệm học nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động đã tuyển sinh 25.888 học viên, đạt 100,45% kế hoạch. Trong đó có 1.193 cao đẳng, 4.172 trung cấp, 6.903 trình độ sơ cấp, 9.305 thường xuyên và 4.315 lao động nông thôn.
Phần lớn lao động nông thôn được tham gia các lớp đào tạo gắn liền với đời sống nhà nông như trồng lúa/rau/cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; trồng nấm rơm, nấm bào ngư an toàn; thú y trên gia súc, gia cầm; may công nghiệp; đan lục bình...
Theo đại diện địa phương, kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 35%. 90% học sinh sinh viên được giới thiệu có việc làm. Trong đó, các nghề thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điện công nghiệp, công nghệ ôtô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, lập trình PLC... đang có nhu cầu tuyển dụng cao.
Long An cũng quan tâm đến lĩnh vực đang nổi lên là bán dẫn. Địa phương đã tổ chức nhiều hội thảo để cung cấp kiến thức lĩnh vực này. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng Long An và Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo, hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức công nghệ bán dẫn cho học sinh, sinh viên tỉnh Long An. Ngoài ra, địa phương cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức xây dựng 48 chương trình đào tạo nghề.
Tính đến ngày 20/11, tỉnh đã phối hợp nhiều doanh nghiệp đưa 664 lao động đi làm việc nước ngoài. Trong đó, thị trường Nhật Bản là 429 người, Đài Loan 64 người, các nước khác là 171 người.
Thủ phủ công nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long chi hơn 11 tỷ đồng để đặt hàng Trường Cao đẳng Long An đào tạo 253 sinh viên trình độ cao đẳng với 7 ngành, nghề. Mục đích đặt hàng đào tạo nhằm thu hút nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Địa phương cũng phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM xây dựng Đề án "Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động" nhằm thu hút, giữ chân người lao động, nhất là người có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.
Tỉnh này bắt tay với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) để đào tạo nghề cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức cho 148 học sinh; được dự án Aus4skill của Australia hỗ trợ đào tạo nghề Logictics theo chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, để tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, chính quyền Long An và các Sở liên quan đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho Trung tâm Dịch vụ việc làm. Quá trình này giúp kết nối việc làm trực tuyến, hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường, phân tích, dự báo xu hướng chính xác hơn. Năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An tổ chức 19 phiên giao dịch với 208 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng và 6.198 lao động tham gia tìm kiếm việc làm.
Long An từ địa phương nông nghiệp, thời gian qua vươn lên trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của Tây Nam bộ. Theo số liệu của Ban Quản lý Khu kinh tế, tỉnh có 36 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch là 9.693 ha. 1.685 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp (694 doanh nghiệp FDI và 991 doanh nghiệp trong nước) với 199.153 lao động đang làm việc.
Với ngành nông nghiệp, Long An đang trong quá trình tái cơ cấu gắn với ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Thế mạnh của tỉnh là cây lúa, chanh, thanh long cùng các loại gia súc, gia cầm, tôm.
Hoài Phương