![]() |
|
Voi được xem là những động vật có tập tính xã hội cao, và chúng liên lạc với nhau bằng những tiếng khịt mũi, kêu gào, rống, gầm gừ hay ư ử. Sự giao tiếp đó có thể diễn ra suốt cả ngày - chẳng hạn khi một chú voi con gọi mẹ dừng lại để cho nó bú. Các nhà khoa học đã xác định gần 70 loại "thông điệp" như vậy được voi sử dụng để liên lạc.
"Các thông điệp bao gồm cả những tiếng kêu qua khoảng cách xa và gần", Michael Garstang, nhà khí tượng học tại Đại học Charlottesville, bang Virginia, Mỹ, cho biết.
Rất nhiều tiếng kêu của voi nằm ở thang hạ âm (từ 1 đến 20Hz) -gồm những âm thanh có tần số thấp, dưới ngưỡng nghe chuẩn của con người. Hạ âm có thể truyền qua những khoảng cách xa, tuy nhiên điều kiện khí quyển bất lợi có thể thu hẹp đáng kể khoảng cách đó.
Garstang và cộng sự đã thu thập và phân tích hơn 1.300 tiếng kêu do voi phát ra trên vùng hoang mạc Namibia, nơi nhiệt độ ban ngày thường lên đến 49 độ C, và gió thổi với tốc độ 32 km/giờ.
"Tiếng kêu phát ra trong điều kiện khí quyển thuận lợi nhất có thể nghe được trong vùng rộng ít nhất 285 km2. Tuy nhiên, gió và các sóng nhiệt có thể cản trở sóng âm, làm giảm khoảng cách đó xuống chưa đầy 2,6 km2.
Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy 96% những tiếng kêu hạ âm có thể đi xa xuất hiện khi trời chạng vạng tối và bình minh. Đó cũng là lúc điều kiện khí tượng lý tưởng nhất: nhiệt độ hạ xuống và đứng gió. Liên lạc thực hiện trong thời điểm này có thể nghe thấy ở khoảng cách 10 km.
Theo các nhà nghiên cứu, khả năng nghe thấy tiếng gọi từ xa là cốt yếu cho sự sinh tồn của họ nhà voi. Voi sống theo gia đình, gồm những con cái có quan hệ họ hàng và con non của chúng. Voi đực sống lang thang đơn độc hoặc thành từng nhóm rất nhỏ với những kẻ cùng giới. Từ góc độ tiến hóa, một trong những chức năng quan trọng nhất của tiếng kêu truyền xa là tín hiệu cho thấy con cái đã sẵn sàng giao phối.
"Khi con cái động dục, những con đực có khả năng sinh sản tuổi từ 35 đến 55 có thể ở cách xa đó nhiều dặm. Con cái muốn tìm thấy một chàng to khỏe và mạnh mẽ nhất. Nếu tiếng kêu của nó chỉ đi xa chưa đầy 1,6 km, cơ hội có được bạn tình như ý là gần như bằng không", Garstang nói.
Tiếng kêu vọng xa cũng giúp voi liên lạc với các đàn khác trong phạm vi lãnh thổ của chúng hoặc hỗ trợ khả năng sống sót trong môi trường cạn kiệt thức ăn. Một con voi đực có thể tiêu thụ hàng trăm kg lá cây mỗi ngày. Nhưng vào cuối mùa khô - kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 ở Namibia - thực phẩm, chất dinh dưỡng và nước sẽ cực kỳ khan hiếm. Liên lạc trên những khoảng cách lớn cho phép nhóm duy trì được một sự cách ly tương đối giữa các cá thể trong bầy. Bởi nếu nhóm sau đi theo đúng vết chân của nhóm trước, chúng sẽ chết đói.
Garstang phỏng đoán rằng một nhu cầu tiến hóa có thể đã thúc đẩy voi tìm ra liên lạc trong điều kiện môi trường tốt nhất. Nhưng nhà động vật học Joyce Poole, giám đốc khoa học của dự án nghiên cứu voi Amboseli ở Kenya, người từng lắng nghe tiếng gọi của voi trong vài thập kỷ qua, lại không chắc chắn về điều đó. "Quả thực voi xướng âm nhiều hơn vào đầu buổi sáng và tối, nhưng hành vi này còn diễn ra vào khoảng thời gian ban ngày nữa", bà nói.
Các nhà nghiên cứu hy vọng những phát hiện mới về sự giao tiếp của voi sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác bảo tồn.
B.H. (theo National Geographic)