Sau đây là hướng dẫn cách làm bài từ Thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình:
Ở môn Ngữ văn, yêu cầu đầu tiên với thí sinh là đọc kỹ đề, không bỏ qua bất kỳ từ ngữ nào, bởi đề bài luôn chứa sẵn gợi ý. Xác định đúng yêu cầu đề bài giúp các em trả lời đúng và trúng vấn đề. Vì vậy, khi đọc đề, học sinh nên gạch chân các câu lệnh, khoanh tròn những từ ngữ mà mình còn băn khoăn để định hướng tư duy. Sau đó, các em phân loại mức độ các câu hỏi, chú ý biểu điểm để chọn cách trả lời.
Với các câu hỏi phát hiện như nêu tên tác giả, văn bản, hoàn cảnh sáng tác hay phương thức biểu đạt chính..., câu trả lời cần ngắn gọn, rõ ràng, có thể dùng gạch đầu dòng.
Khi gặp câu hỏi thông hiểu, chẳng hạn nêu tác dụng của biện pháp tu từ, ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh, nhan đề, học sinh cần trình bày rõ tác dụng trong việc gợi hình ảnh, cảm xúc.
Để lấy điểm từ câu hỏi yêu cầu giải thích ý nghĩa hành động và lời nói của nhân vật, các em cần nêu được tính cách, phẩm chất hoặc cảm xúc của nhân vật đó. Nếu phải nêu thông điệp của đoạn trích, các em lưu ý có thể có một hoặc nhiều bài học.
Nhiều điểm nhất là hai câu hỏi nghị luận văn học và nghị luận xã hội, kiểm tra tổng hợp kiến thức và kỹ năng của học sinh. Các em cần cẩn trọng, xử lý bài theo bốn bước:
- Xác định yêu cầu.
Một số yêu cầu thường được nêu trong đề bài là hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp hay tổng - phân - hợp); nội dung, phạm vi viết (đoạn thơ, đoạn văn hay toàn bộ tác phẩm) để lấy dẫn chứng phù hợp; yêu cầu về Tiếng Việt (câu phân loại theo mục đích nói hay cấu tạo, phép liên kết, thành phần câu biệt lập, lời dẫn trực tiếp...).
- Lập dàn ý.
Để không sót ý và phân bổ thời gian hợp lý, các em nên viết ý chính của bài viết ra giấy nháp. Trong đó, hãy viết câu chủ đề và các ý chính sẽ triển khai, mỗi ý gồm lý lẽ và dẫn chứng đi kèm. Thí sinh chú ý cần làm rõ ý nghĩa của các từ ngữ, hình ảnh quan trọng, biện pháp tu từ, các dấu câu đặc biệt, cảm xúc hoặc điều nhắn nhủ của tác giả... Vì dung lượng đoạn văn có hạn, các em cần viết câu văn mạch lạc, đúng trọng tâm.
- Sửa lại các câu văn để đáp ứng yêu cầu Tiếng Việt của đề thi.
- Viết hoàn chỉnh vào giấy thi. Đọc và kiểm tra lại để tránh các lỗi về diễn đạt, chính tả.
Riêng với đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh nên chọn dẫn chứng thực tế, chính xác, tiêu biểu và toàn diện. Vì vậy, ngoài thời gian ôn tập, các em cũng cần xem thời sự, đọc sách báo để có thêm hiểu biết xã hội, làm chất liệu đưa vào bài.
Trần Thị Quỳnh Anh
(Tổ trưởng Xã hội, trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội)