Tết không thể thiếu các món ăn đặc trưng như bánh chưng, chả giò, canh bóng, thịt đông, củ kiệu dưa hành, xôi gấc, gà luộc... Nguyên liệu nấu nướng được chuẩn bị từ trước, đêm Giao thừa, Thủy Anh sẽ luộc gà, đồ xôi, chưng mâm ngũ quả... mùi thơm lan tỏa cả ngôi nhà.
Những ngày đầu năm, như mùng một, mùng hai, chợ chưa mở cửa, nguyên liệu thiếu cái này cái kia nên bà xã Đăng Khôi thường tự biến tấu, gia giảm công thức theo cách riêng của mình. Thử qua vài lần thành công, Thủy Anh bỗng có niềm đam mê với việc làm mới các món ăn quen thuộc.
Đây cũng chính là bí quyết để mâm cơm ngày Tết, dù vẫn chỉ có từng ấy món nhưng lúc nào Đăng Khôi cùng hai con trai cũng thích thú thưởng thức, không bị nhàm chán. "Bạn đừng quá rập khuôn mà hãy tìm cách sáng tạo như đổi gia vị, thêm thực phẩm ăn kèm. Thay vì vừa nấu vừa ngán ngẩm, hãy thêm chút gia vị mang tên làm mới món quen theo cách riêng của mình", cô chia sẻ.
Để biến tấu nhưng vẫn giữ được sự thơm ngon, có thể tham khảo sở thích của các thành viên trong gia đình. "Bé Ken rất thích ăn nước tương, anh Khôi lại vị tomyum kiểu Thái, thế nên các món ăn quen thuộc cũng được biến lạ thành quen, đúng gu của bố con", cô tiết lộ. Đó là tai heo ngâm nước tương thay vì giấm, cách làm mới giúp món ăn ngon miệng, đậm đà hương vị và có màu nâu đỏ bắt mắt. Hoặc độc đáo hơn là chả giò tomyum dầu hào với lớp vỏ bên ngoài giòn rụm, nhân bên trong mọng mềm hấp dẫn. Sự giao thoa giữa cổ truyền và hiện đại làm món ăn lạ miệng, thu hút hơn, chiều chuộng vị giác của ba bố con.
Trước khi bắt tay đổi mới món ăn, bà nội trợ có thể tham khảo thật nhiều công thức và lựa chọn cho mình cách nấu nướng phù hợp nhất. Như Thủy Anh, thời gian rảnh rỗi cô sẽ nghiên cứu những món ngon trên Internet hay kênh Youtube của Maggi, sao cho các nguyên liệu không quá "chọi" nhau mà vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
"Chỉ cần trong đó có tình cảm, công sức sáng tạo mình bỏ ra thì món nào cũng là món ăn ngon", cô cười, nói.
Cảm hứng cho việc vào bếp ngày Tết
"Mẹ tôi từng có lúc rất vất vả khi chuẩn bị mâm cơm ngày Tết. Mẹ phải làm nhiều món, bắt buộc hương vị phải đúng như vậy, mỗi món đủ cho hơn 10 người ăn. Thế nên có hôm cả ngày chỉ ở trong bếp nấu nướng, dọn dẹp, không có thời gian tận hưởng Tết. Có lẽ, đây là lý do nhiều người ngại vào bếp", Thủy Anh nhớ lại.
Để tránh tình trạng đó, ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho gian bếp của mình, bà xã Đăng Khôi còn luôn tự nhủ nấu nướng là niềm vui chứ không phải gánh nặng, tìm cách tự cởi bỏ áp lực.
Áp lực ở đây chính là việc rập khuôn trong nấu nướng. Hãy nấu với niềm vui, nếu lỡ thiếu nguyên liệu gì đó thì có thể biến tấu, làm mới món ăn từ những thứ đang có sẵn, thế là lại có một món ngon với phong vị khác nhưng vẫn giữ được cái cũ.
Tạo cảm hứng cho việc nấu ăn cũng là cách giúp mâm cơm dịp Tết cũng như ngày thường đặc biệt hơn. "Cảm hứng nấu ăn của tôi đến từ chính bản thân mình. Mỗi khi vào bếp nhìn thấy các nguyên liệu là tôi lại cảm thấy rất vui và muốn hoàn thành ngay bữa ăn. Hình ảnh ba bố con háo hức đoán mẹ hôm nay nấu món gì rồi cùng thưởng thức ngon lành là bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết", cô chia sẻ.
Rủ rê các thành viên trong gia đình tham gia cũng giúp có thêm niềm vui cho việc vào bếp. Chưa kể, qua các món ăn đặc trưng, Thủy Anh sẽ dạy con câu chuyện, nét đẹp văn hóa Việt. Như lần đầu nhìn thấy bánh chưng, bé Ken và Đăng Anh đưa ra hàng loạt thắc mắc. Rồi sau khi nghe mẹ kể sự tích bánh chưng, vì sao lại có hình vuông, cả hai tranh nhau lấy lạt cắt bánh. Bàn tay vụng về, chiếc bánh cắt không ra đường nét gì cả nhưng cả nhà vẫn được một phen cười vui. Từng khoảnh khắc bên nhau đều tạo nên kỷ niệm đẹp, thế nên cô lại càng có thêm động lực để vào bếp chuẩn bị món ngon.
"Tết ở trong mỗi chúng ta, hãy cởi bỏ những áp lực để luôn làm chủ gian bếp, thêm gia vị hạnh phúc cho bữa ăn gia đình. Đó chính là bí quyết để tổ ấm luôn nhộn nhịp và đầy ắp tiếng cười, ngày Tết luôn là khoảnh khắc thật đẹp", Thủy Anh nhắn nhủ.
Thảo Trang