Bánh trôi tàu từ lâu đã trở thành nét văn hóa ẩm thực của Hà Nội. Viên bánh nổi bồng bềnh trong lớp nước sóng sánh ngọt dịu xen lẫn vị cay cay của gừng. Bên ngoài bánh là lớp vỏ trắng, dẻo, mềm mịn, còn bên trong là lớp nhân vừa tròn đủ vị của mè đen và đậu phộng giòn.
Khẩu phần: 4-5 suất
1. Nguyên liệu
Phần bột cho vỏ bánh
- 250gr bột gạo nếp
- 150ml nước ấm
- 1/8 muỗng cà phê muối
Phần nhân mè đen
- 1/2 chén hạt mè đen
- 1/2 chén đậu phộng
- 1/3 chén dừa nạo
- 1/2 chén đường (hoặc nhiều hơn tùy theo khẩu vị)
- 1/8 muỗng cà phê muối (thêm muối là cách làm cho các món chè nói chung trở nên đậm đà hơn)
- 2 thìa dầu ăn hoặc bơ lạt
Phần nước gừng
- 4 chén nước (1 lít)
- 1/4 chén gừng tươi (một nửa đập dập để nấu nước, một nửa cắt sợi nhỏ để rắc lên khi ăn)
- 3/4 chén mật mía là ngon nhất. Nếu không có thì sử dụng đường phên, hoặc cũng có thể sử dụng đường thốt nốt. Những loại đường này khi nấu lên tạo hương vị thơm nhẹ và màu hổ phách sóng sánh khá đặc trưng của bánh trôi tàu. Lượng đường có thể tăng, giảm theo khẩu vị của mỗi người.
Phần nước cốt dừa (tùy chọn theo sở thích):
- 200ml nước cốt dừa
- Chút đường (theo khẩu vị)
- Bột năng/ hoặc bột sắn
2. Cách làm:
Cách làm phần nhân bánh: Mè đen rang chín, đậu phộng rang chín xát sạch vỏ lụa. Để lại một chút mè đen, chút đậu phộng rang giã sơ, cùng chút dừa nạo để rắc lên sau cùng khi thưởng thức. Có 2 cách làm nhân:
Cách truyền thống: Cho đậu phộng vào máy xay, tiếp đó cho mè đen vào xay mịn. Sau đó, cho hỗn hợp này vào chảo cùng đường, dừa nạo, thêm chút nước, muối và sên trên lửa nhỏ cho tới khi đường tan hết, rồi cho dầu ăn (hoặc bơ lạt) vào. Bạn sên cho tới khi đặc lại thành khối dẻo. Tắt bếp, để nguội và chia đều, vê thành các viên tròn đều nhau.
Cách làm khác: Cho tất cả hỗn hợp gồm mè đen, đậu phộng, dừa nạo, đường vào máy xay mịn. Sau đó, lấy hỗn hợp ra trộn với bơ lạt (nhiều chút tầm 3-4 thìa canh đã làm mềm) trộn đều, cho vào túi zip để vào ngăn đá ít nhất 2 giờ cho đông lại. Sau đó lấy ra, cắt thành từng viên, rồi vê tròn lại. Phần này nên chuẩn bị trước để khi làm lấy ra sẽ nhanh hơn.
Cách làm phần bột cho vỏ bánh: Trong một bát trộn to, cho bột nếp vào, từ từ đổ nước ấm vào từng chút một đồng thời nhào bột cho tới khi tạo thành khối dẻo mịn, không dính tay là được. Dùng màng bọc thực phẩm bọc phần bột lại và ủ từ 20-30 phút.
Lắp ráp bột và nhân: Bột sau khi ủ, chia thành các phần đều nhau, rồi vo tròn lại thành những quả bóng nhỏ, ấn dẹt đặt nhân vào giữa và vo tròn lại. Có thể tạo hình tròn hoặc hình bầu dục tùy theo sở thích.
Cách luộc bánh: Đun sôi nồi nước lớn. Nhẹ nhàng thả bánh vào luộc ở lửa vừa. Khi thấy bánh nổi lên thì vớt ra để vào một bát tô nước lạnh để chúng không dính vào nhau.
Cách làm nước gừng: Lấy một nồi khác, cho 4 chén nước vào cùng mật mía/hoặc đường phên cùng chút gừng đập dập cho thơm và đun sôi nhỏ lửa tầm 5-8 phút. Thỉnh thoảng hớt bọt để nước trong. Sau đó, vớt bánh đã luộc cho vào nồi nước gừng, đun sôi 1 phút cho vị ngọt thấm vào bánh, tắt bếp.
Trình bày: Múc 2-3 chiếc bánh trôi nóng ra bát, múc nước gừng vào, rắc thêm chút vừng đen, đậu phộng rang giã sơ, dừa nạo lên trên. Có thể thêm nước cốt dừa nếu thích. (Cách làm nước cốt dừa sánh đặc: Cho nước cốt dừa cùng chút đường (điều chỉnh theo khẩu vị) và bột năng vào nồi khuấy đều. Sau đó, bật lửa nhỏ vừa đun vừa quấy cho tới khi tạo thành hỗn hợp sánh đặc thì tắt bếp).
Bánh trôi tàu nên thưởng thức khi còn nóng.
Bùi Thủy