Bạn đã bao giờ tự hỏi mình bất kỳ câu hỏi như: Tại sao tôi không thể kiếm được nhiều tiền hơn; Tại sao có vẻ như những người kém năng lực hơn cuối cùng lại kiếm được nhiều tiền hơn mình; Tại sao tôi cảm thấy bế tắc?
Dù được đánh giá là có năng lực, sáng tạo hoặc chăm chỉ nhưng một số người lại gặp khó trong việc bức phá bản thân để thành đạt hơn. Một trong những lý do có thể do bộ não của họ chưa được vận dụng hiệu quả.
Tiến sĩ Alok Trivedi, Chủ tịch kiêm CEO công ty tư vấn về hiệu suất Aligned Performance Institute (Mỹ) đã dành 27 năm để nghiên cứu mối liên hệ sâu sắc giữa nơ ron thần kinh và hiệu suất cá nhân.
Kết quả, ông xác định không ít hơn 92 kỹ thuật được khoa học giúp điều chỉnh lại bộ não trở thành phiên bản tốt hơn. Dưới đây là 3 điểm mà tạp chí Entrepreneur cho là đặc biệt quan trọng trong việc kích hoạt lại não, giúp rút ngắn khoảng cách giữa khả năng tiềm ẩn và thành công thực tế.
Tìm nguồn gốc của vấn đề
Trong phim ảnh hay tiểu thuyết, các nhân vật phản diện thường có một quá khứ đau khổ, khiến họ trở nên xấu xa. Với những người vật lộn với chuyện kiếm tiền, họ thường cũng có những lịch sử tiêu cực riêng.
Theo TS Trivedi, bộ não của hầu hết mọi người đều có một rào cản mặc định cần phải vượt qua được để có thành công lớn hơn. Chúng thường được hình thành trong giai đoạn đầu đời, có thể là một khoảnh khắc hoặc một chuỗi khoảnh khắc, để tạo ra khuôn giới hạn hành vi. Đôi khi, hệ thống rào cản mặc định này tạo ra sự sợ hãi, hoang tưởng, hoặc lo lắng.
Ví dụ, nó có thể là bố mẹ ly hôn, gia đình phá sản hay cách người đó được nuôi dạy. Dù là gì đi nữa, phản ứng của hệ thống thần kinh dẫn đến cảm xúc tiêu cực, có thể là oán giận với tiền bạc. Vì điều này, chúng ta né tránh các cơ hội, công việc, tạo ra rào cản kiếm tiền.
Cách tốt nhất để biết liệu bạn có gặp rào cản mặc định trong thần kinh hay không là phân tích cảm xúc và hoàn cảnh bản thân. Hãy tự hỏi: Bạn có cảm thấy bế tắc không? Bạn đã đạt đến thu nhập cao? Bạn có sợ tương lai? Bạn phải tìm ra vấn đề, các trải nghiệm trong quá khứ có liên quan để có thể xử lý chúng.
Giải quyết rào cản tiêu cực
Khi đã xác định được điều gì đã tạo ra phản ứng tiêu cực, đã đến lúc phải đương đầu với nó, có thể tạo ra cảm giác không thoải mái, nhưng bước này rất quan trọng để bắt đầu quá trình thay đổi. "Một khi đã xác định được nguồn gốc, đã đến lúc phải làm rõ ràng bằng cách xem xét cả hai mặt của trải nghiệm, tích cực và tiêu cực", Trivedi nói.
Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau: Những trải nghiệm này tạo ra những cảm xúc tiêu cực nào dai dẳng với bản thân? Sự oán giận này đã giúp tôi trưởng thành hơn thế nào trong cuộc sống (nếu có)? Điều gì tốt tôi nhận được từ nó?
Điều quan trọng phải xác định là những trải nghiệm trong quá khứ mang lại cho bạn kết quả tích cực cũng nhiều như tiêu cực. Nếu chúng ta xem xét các sự kiện trong quá khứ với cả hai mặt cân bằng, bộ não chúng ta sẽ được giải phóng khỏi những cảm xúc bất lợi.
Hành động với lòng biết ơn
Ở bước này, đầu tiên hãy tự hỏi: Tôi có nên cảm thấy biết ơn đối với những nguồn gốc của sự oán giận trong bản thân? Theo Randy Garn của Entrepreneur, càng hiểu về sức mạnh của lòng biết ơn, bạn sẽ thấy nó là một chất xúc tác quan trọng trong nỗ lực kiếm tiền.
TS Trivedi giải thích rằng, tìm kiếm được lòng biết ơn sẽ giúp cảm xúc được giải phóng khỏi các khuôn mẫu tiêu cực đang mắc phải. Cảm nhận được lòng biết ơn cũng sẽ thay đổi niềm tin, đưa hoạt động thần kinh ra khỏi hạch hạnh nhân, nơi phụ trách phản ứng với căng thẳng bằng cách chiến đấu hoặc bỏ chạy.
Khi không còn bị chi phối bởi phản ứng của hạch hạnh nhân và kết nối lại với trung tâm điều hành của bộ não, chúng ta sẽ bắt đầu có khả năng lập kế hoạch, sáng tạo và thay đổi. "Tương lai đột nhiên tươi sáng và chúng ta hiểu mình cần đi con đường nào để đến đó", TS Trivedi mô tả.
Trivedi cho rằng khi kích hoạt lại bộ não thành công, các khuôn mẫu giới hạn cũ biến mất và các khuôn mẫu mới ra đời. Có khả năng những mô hình mới sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, vượt qua giới hạn và giúp bạn tạo ra của cải.
Phiên An (theo Entrepreneur)