Chia sẻ tại tọa đàm "Kiếm tiền từ ChatGPT" do FUNiX tổ chức, các chuyên gia công nghệ nhận định, công cụ này không đơn thuần chỉ có mục đích giải trí, tìm kiếm thông tin. Thay vào đó, nếu biết cách tối ưu, người dùng có thể khai thác triệt để kiếm thêm thu nhập.
Anh Lê Huy Đức Anh - nhà sáng lập kênh Youtube Ten Tickers cho biết, ChatGPT là một trợ lý hữu ích trong học tập, công việc và đời sống. Khi cần nghiên cứu một chủ đề mới, anh thường sử dụng công cụ này để có cái nhìn toàn diện, từ đó, chắt lọc và nghiên cứu sâu hơn kiến thức.
"Thay vì xem một video dài hơn 7 phút, ChatGPT sẽ tóm tắt và chỉ cần khoảng 30 giây để đọc toàn bộ nội dung. Đồng thời, công cụ cũng có khả năng dịch thuật khá dễ hiểu", nam diễn giả chia sẻ.
Ngoài học tập, nhà sáng lập Ten Tickers còn ứng dụng ChatGPT trong việc làm báo cáo, làm slide, lên ý tưởng, viết email, sửa lỗi chính tả... Bên cạnh vai trò như một trợ lý cá nhân, anh còn tận dụng khả năng tạo ra các sản phẩm thương mại của công cụ này.
Anh Đức Anh chia sẻ, ChatGPT cũng giúp anh tạo ra các sản phẩm thô như viết truyện, kịch bản video, bài giới thiệu sản phẩm hoặc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. "ChatGPT có thể kết hợp với nhiều công cụ khác như MidJourney để tạo ra hình ảnh, video, template, xây dựng website, thiết kế sách...", anh nói thêm.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, việc khai thác ChatGPT cũng mang đến một nguồn thu nhập khá tốt. Nguyễn Đình Duy - lập trình viên tại BTC Vietnam cho biết, chatbot này giúp anh tổng hợp kiến thức lập trình, dịch thuật văn bản và viết code.
Với những lĩnh vực khác, lập trình viên có thể dùng ChatGPT để hỗ trợ. Ví dụ, khi nhận được đề nghị tạo các công cụ phục vụ ngành chứng khoán, anh Duy đã dùng chatbot này để lấy được các đường dẫn (link), chỉ số tài chính, chứng khoán nhanh hơn.
Ngoài ra, ChatGPT còn được ứng dụng trong nhiếp ảnh, ví dụ như hướng dẫn người lớn tuổi tạo ra trang web để đăng tải hình ảnh hoặc hỏi về bố cục mẫu để tạo ra bức ảnh đẹp. Nam lập trình viên cho biết, sau khi chia sẻ thông tin về ChatGPT, nhiều bạn trẻ đã tìm tới anh để đăng ký xin học.
"Tôi được trả khoản phí nhỏ để hướng dẫn kiến thức, cách tối ưu về chatbot. Nguồn thu nhập chính vẫn là sử dụng ChatGPT để lập trình", anh nói thêm.
Hàng trăm người tham dự chương trình trực tuyến đã đặt ra nhiều câu hỏi về ChatGPT, cũng như băn khoăn về khả năng liệu công nghệ này có thể thay thế con người. Lập trình viên Nguyễn Đình Duy khẳng định, ChatGPT có thể hỗ trợ người tiếp cận vấn đề thuận lợi hơn như tìm lỗi trong các đoạn code cụ thể nhưng không thể thay thế con người trong các công việc có tính chuyên môn sâu, tổng quát như đánh giá, sửa lỗi cho cả dự án lớn.
"Giống như khi Excel mới xuất hiện, nhiều người bày tỏ lo ngại. Tuy nhiên, đến nay, phần mềm đã trở thành công cụ tối ưu cho kế toán. ChatGPT không thể thay thế lập trình viên, càng không thể sáng tạo ra tác phẩm thơ văn kiệt tác", anh nhấn mạnh.
Chị Lê Minh Đức - CEO FUNiX cũng cho rằng trong lĩnh vực giáo dục, ChatGPT sẽ hỗ trợ công việc hiệu quả và không thể thay thế vai trò các chuyên gia. FUNiX có đội ngũ mentor (cố vấn chuyên môn) hỗ trợ học viên học tập qua hình thức hỏi đáp 1:1. Đồng thời, đơn vị vẫn trang bị tài khoản ChatGPT cho toàn bộ học viên. Điều này chỉ kích thích người học chủ động tìm kiếm thông tin thay vì làm giảm tương tác giữa học viên và cố vấn. Thậm chí, số câu hỏi các mentor nhận được còn có xu hướng tăng lên.
Theo CEO FUNiX, ChatGPT có thể đưa ra nhanh các câu trả lời chi tiết và dễ hiểu cho học viên. Nhờ đó, mentor tập trung nhiều hơn vào các câu hỏi phức tạp, phát huy vai trò dẫn dắt, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế.
"Thời đại AI sẽ trở thành thách thức cho những người chỉ có các kỹ năng cơ bản. Do đó, con người cần nỗ lực để nâng cao trình độ, làm chủ các kỹ năng thời đại mới để không bị AI thay thế", nhà sáng tạo nội dung Lê Huy Đức Anh bổ sung.
Minh Tiến