Tuần trước, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cho biết người dân nước này mất tới 8 triệu USD tính riêng trong năm nay vì kẻ lừa đảo sử dụng các nền tảng đầu tư online và lợi dụng tối đa tính năng của deepfake.
Chiêu phổ biến nhất là sử dụng hình ảnh deepfake kèm bài báo và website giả để lừa nạn nhân tin những người nổi tiếng đang kêu gọi họ đóng góp tiền.
Ví dụ, chúng dùng AI tạo ảnh Robert Irwin, con trai nhà động vật học nổi tiếng thế giới Steve Irwin, đang bị còng tay, kèm theo bài viết với tiêu đề: "Liệu đây có phải dấu chấm hết sự nghiệp của anh ấy?". Bài viết giả mạo nói Robert Irwin đang bị ngân hàng khởi kiện vì bình luận về một nền tảng giao dịch tiền số. Đi kèm bài báo là lời hứa hẹn giúp độc giả làm giàu nếu đầu tư 375 USD vào đó.
Trong khi đó, một người đàn ông Australia cũng mất 50.000 USD sau khi đăng ký thông tin trên website mà người này thấy trong một video deepfake giả mạo Elon Musk.
"Chúng tôi kêu gọi người dân cẩn trọng và nghiên cứu kỹ trước khi tham gia đầu tư, đặc biệt là những cơ hội làm giàu nhanh chóng được quảng cáo trên mạng xã hội", Phó chủ tịch ACCC Catriona Lower nói.
Ủy Ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hong Kong (SFC) tháng trước cũng cảnh báo về trò lừa đảo giao dịch tiền số sử dụng video deepfake. Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết phần lớn vụ lừa đảo ở nước này bắt nguồn từ mạng xã hội, trong đó tội phạm thuyết phục nạn nhân đầu tư bằng tiền số, như Bitcoin, để tránh bị truy vết.
"Kêu gọi đầu tư là một trong những hình thức lừa đảo hàng đầu hiện nay, trong đó kẻ gian hối thúc nạn nhân mua tiền số và gửi vào những nền tảng mạo danh. Chúng cũng đóng giả doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và vào vai người tình trên mạng để câu kéo nạn nhân", FTC cho hay.
Giới chức Mỹ và Australia cho rằng cách tốt nhất để tránh bị lừa là "không bao giờ tin những người chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền số, cũng như hứa hẹn về lợi nhuận khổng lồ từ những khoản đầu tư nhỏ lẻ".
Điệp Anh (Theo Business Insider)