Đối với người học
1. Học thành ngữ trong ngữ cảnh hoặc theo chủ đề
Liệt kê danh sách thành ngữ để học thuộc sẽ không hiệu quả và không thể nhớ lâu. Thay vào đó, hãy đặt thành ngữ học trong ngữ cảnh cụ thể hoặc học theo chủ đề ví dụ mua sắm, vui chơi. Phương pháp này sẽ giúp người học hiểu rõ trong hoàn cảnh, trạng thái ra sao thì sử dụng thành ngữ nào, tránh được việc dùng sai bối cảnh.
Bạn có thể tưởng tượng những tình huống cụ thể, luyện nói về tình huống này, chủ đích đưa các thành ngữ vào để biểu đạt nội dung. Ban đầu bạn có thể thấy việc này hơi cứng nhắc nhưng khi đã quen và hiểu dần về thành ngữ, bạn có thể sử dụng nó tự nhiên hơn.
2. Không học quá nhiều thành ngữ cùng lúc
Thành ngữ rất phức tạp và thường không có quy tắc chung cho việc cấu tạo. Vì vậy, người học chỉ nên học nhiều nhất năm thành ngữ một lần. Đừng quên luyện tập sử dụng các thành ngữ đã và đang học để ghi nhớ và dùng trôi chảy.
3. Hiểu về trạng thái biểu đạt
Thành ngữ thường được sử dụng để biểu đạt cảm giác hoặc cảm xúc. Chẳng hạn, người bản ngữ thường nói "someone has a heart of gold". Thành ngữ "heart of gold" có nghĩa là tử tế, tốt bụng. Chúng ta đều biết không có trái tim của ai làm bằng vàng nhưng vàng là kim loại quý, được trân trọng, nâng niu. Người có trái tim vàng có thể hiểu là những người tốt, tử tế, được yêu quý.
Khi học thành ngữ, bạn có thể liên tưởng đến các cảm xúc liên quan để hiểu rõ hơn và ghi nhớ lâu hơn. Không chỉ biểu đạt cảm xúc, thành ngữ có thể dùng để mô tả tinh thần. Chẳng hạn, câu nói "Joe is under someone’s thumb" có nghĩa là Joe đang bị người khác kiểm soát.
4. Chú ý đến những cấu trúc đặc biệt
Nếu đọc tài liệu, nghiên cứu các sản phẩm tiếng Anh, bạn nhìn thấy cụm từ đi liền nhau nhưng không có nghĩa cụ thể hoặc một câu khác thường, đó có thể là thành ngữ. Đôi khi bạn có thể đoán được nghĩa thông qua việc tìm hiểu về trạng thái biểu đạt hoặc ngữ cảnh sử dụng nhưng có khi không. Tuy nhiên, bạn đừng lướt qua nó. Hãy ghi chú lại để tìm hiểu, hỏi người bản ngữ và cố gắng sử dụng.
Đối với người dạy
1. Không dạy quá nhiều thành ngữ cùng lúc
Việc liệt kê danh sách thành ngữ trong một buổi học là phương pháp nhàm chán, không hiệu quả vì học sinh sẽ không thể nhớ nổi hoặc thuần thục cách sử dụng hàng loạt thành ngữ cùng lúc. Việc hiểu rõ một thành ngữ rất khó nhưng việc giải thích được một thành ngữ cho người khác nắm rõ lại càng khó hơn. Vì vậy, trong một buổi dạy, giáo viên chỉ nên giới thiệu từ ba đến năm thành ngữ.
Giáo viên không nhất thiết phải tổ chức một chuyên đề riêng về thành ngữ mà hãy đan cài thành ngữ trong từng buổi học thông thường. Cách tiếp cận này cung cấp đủ thời gian, ngữ cảnh để giáo viên giảng dạy kỹ lưỡng và cho học sinh thực hành mà không tạo cảm giác nhàm chán, nặng nề.
2. Dạy thành ngữ liên quan đến chủ đề học
Như đã nói ở trên, phương pháp hữu ích để dạy về thành ngữ là đan cài vào buổi học thông thường tức giới thiệu thành ngữ liên quan đến chủ đề học. Như vậy, học sinh sẽ dễ nhớ hơn và sẽ làm quen nhanh chóng hơn.
Lấy ví dụ khi dạy về chủ đề "Pet" (thú cưng), giáo viên có thể giới thiệu thành ngữ "work like a dog" (nghĩa là làm việc chăm chỉ, không ngừng nghỉ) để học sinh thảo luận.
3. Trình độ người học trung cấp
Nhiều giáo viên không dạy thành ngữ cho học sinh chưa ở trình độ cao. Đây là phương pháp giáo dục tốt bởi vì thành ngữ vô cùng phức tạp và không phải học sinh ở trình độ nào cũng có thể thẩm thấu. Tuy nhiên, không nhất thiết phải là học sinh có trình độ cao, những học sinh ở trình độ trung cấp đã có thể tiếp thu thành ngữ.
Giáo viên không nên dạy cho học sinh mới bắt đầu hoặc học sinh yếu vì các em còn bận rộn với những nền tảng cơ bản khác và có thể chưa tiếp thu hết ý nghĩa và cách sử dụng thành ngữ. Học sinh trung cấp là đối tượng phù hợp nhất vì đã có lớp nền tương đối ổn định và giờ là lúc các em cần những cấu trúc khó hơn để nâng cao trình độ.
4. Hiểu từng từ riêng lẻ
Trước khi dạy bất kỳ thành ngữ nào, giáo viên nên cân nhắc đến việc học sinh phải hiểu rõ từng từ riêng lẻ trong thành ngữ. Tránh việc giới thiệu những thành ngữ chứa toàn từ vựng mới và cố gắng đơn giản hoá ý nghĩa của chúng.
Trang web học thành ngữ
- The Phrase Finder: Trang web giới thiệu thành ngữ Mỹ bao gồm ý nghĩa, nguồn gốc và cách sử dụng.
- Vocabulary.co.il: Idioms and Slang: Sau khi học thành ngữ, người học có thể sử dụng trang web này để kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu của bản thân. Đây là trang web tự học thành ngữ hữu ích.
- The Free Dictionary: Idioms and Phrases: Nếu cần biết ý nghĩa của thành ngữ, từ điển trực tuyến này là nguồn thông tin chính xác, cụ thể. Danh sách thành ngữ trong đây được tổng hợp từ các nguồn từ điển chính thống như Từ điển thành ngữ quốc tế Cambridge. Mỗi thành ngữ đều đi kèm ý nghĩa, ví dụ trong câu cụ thể. Người học có thể lưu trữ thành ngữ đã tìm kiếm để thường xuyên ôn tập.
- Open English World: Trang web học thành ngữ dành cho những người yêu thích việc học tự nhiên, không theo chủ đề cụ thể. Mỗi tuần, trang web sẽ giới thiệu một thành ngữ bất kỳ và đoạn hội thoại ngắn (có phiên bản âm thanh) chứa thành ngữ này để người học hiểu rõ bối cảnh sử dụng.
- The Idiom Connection: Trang web sắp xếp thành ngữ theo bảng chữ cái Alphabet hoặc theo chủ đề như tiền bạc, quần áo, kinh doanh. Việc tổ chức theo chủ đề như vậy có giá trị lớn đối với giáo viên, những người đang tìm kiếm ý tưởng lên nội dung bài dạy. Trang web có mục Câu đố đưa ra những bài tập về việc sử dụng thành ngữ, phù hợp khi giáo viên muốn đánh giá khả năng tiếp thu của học sinh. Ngoài ra, trang web giới thiệu danh sách 100 thành ngữ tiếng Anh được sử dụng thường xuyên nhất, dành cho những người muốn học thành ngữ để giao tiếp trong đời sống thường ngày.
- Learn English Today: Giống với trang web The Idiom Connection, tuy nhiên Learn English Today không có mục Câu đố để đánh giá chất lượng học tập.
Tú Anh (Theo Busy Teacher, Tesol, English at Home)