Thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ hai lưu ý dành cho các em học sinh học tốt chuyên đề Mệnh đề - Tập hợp môn Toán lớp 10.
Kiến thức cần lưu ý
Thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân cho biết, trong chương trình Toán lớp 10, chuyên đề Mệnh đề - Tập hợp là chuyên đề đầu tiên. Đây được coi là chuyên đề nền tảng, như những viên gạch đầu tiên cho các phát biểu và chứng minh Toán học sau này. Ví dụ, tập nghiệm của phương trình, chứng minh điều kiện cần, điều kiện đủ, chứng minh các phát biểu tương đương, phương pháp chứng minh bằng phản chứng...
"Kiến thức của chuyên đề này sẽ xuất hiện hầu hết ở khắp mọi nơi trong chương trình học, không chỉ lớp 10. Các em cần học chắc, hiểu tường minh, rõ ràng những khái niệm cơ bản này, để từ đó có thể hiểu cặn kẽ các phát biểu, các yêu cầu phải làm, và có thể trình bày đúng, đủ, chặt chẽ, rõ ràng những gì được yêu cầu", thầy Lân chia sẻ.
Trong phần Mệnh đề, có một số phần kiến thức mà thầy Hoàng Lân cho rằng học sinh cần ghi nhớ, bao gồm: Khái niệm mệnh đề, mệnh đề phủ định, mệnh đề kéo theo, mệnh đề đảo, mệnh đề tương đương, mệnh đề chứa biến.
Các dạng bài tập chính của phần này gồm: Xác định mệnh đề (xác định tính đúng, sai của một mệnh đề); Các phép toán cơ bản của mệnh đề (hợp, giao, kéo theo, phủ định,...); Điều kiện cần, điều kiện đủ, điều kiện tương đương; Phương pháp chứng minh bằng phản chứng.
Với phần Tập hợp, thầy Hoàng Lân lưu ý học sinh kiến thức như: Cách xác định tập hợp, tập hợp rỗng, tập hợp con và tập hợp bằng nhau, các phép toán trên tập hợp, một số tập hợp con của R.
Các dạng bài tập chính của phần này gồm: Các phương pháp xác định một tập hợp; Các phép toán cơ bản của tập hợp (hợp, giao, hiệu, phần bù,...); Các tập hợp số; Tập con; Hai tập bằng nhau; Biểu đồ Venn.
Lỗi sai thường gặp và cách khắc phục
Đối với học sinh mới chuyển cấp, đây là chuyên đề hoàn toàn mới, nên việc gặp khó khăn và mắc lỗi sai ở phần này là điều không thể tránh khỏi.
Một số lỗi sai học sinh thường gặp trong quá trình học có thể kể đến như: Tính đúng sai của mệnh đề kéo theo; Khi xét mệnh đề phủ định, Không chuyển đổi tương ứng giữa "với mọi" và "tồn tại"; Hay nhầm lẫn giữa điều kiện cần và điều kiện đủ; Hay nhầm lẫn giữa "tồn tại một học sinh..." và "tồn tại đúng một học sinh...". Ở cách nói thứ nhất, lưu ý là có thể có nhiều hơn một học sinh, ở cách nói thứ hai tồn tại duy nhất một học sinh.
Thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân cho biết, để khắc phục những lỗi sai này, học sinh cần học vững lý thuyết, cố gắng tự lấy cho mình các ví dụ cụ thể để minh họa cho các khái niệm, các phép toán.
Với mệnh đề kéo theo, học sinh có thể lập bảng xét giá trị và chú trọng (bôi vàng) tính chất là mệnh đề "P và Q" chỉ sai khi P đúng và Q sai. Những bạn học khá hơn có thể tự tìm hiểu cơ sở tại sao lại có quy tắc đó. Có những phát biểu dài, hoặc những phát biểu cô đọng bằng cách dùng nhiều kí hiệu, học sinh nên bóc tách thành từng đơn vị nhỏ hơn, phát biểu bằng lời, hoặc bằng kí hiệu các đơn vị đó. Sau đó mới ráp nối lại để có thể hiểu cả phát biểu tổng thể.
Chuyên đề Mệnh đề - Tập hợp sẽ xuất hiện trong đề thi học kỳ 1 lớp 10, do đó, học sinh cần chú trọng ôn luyện ngay từ đầu năm học để tránh việc tồn đọng kiến thức.
Để học tốt chuyên đề này, cách tốt nhất là nắm vững kiến thức lý thuyết và thường xuyên luyện thật nhiều dạng bài tập để hình thành kĩ năng cho mình khi giải các dạng bài tập khác nhau.
Bên cạnh đó, học sinh có thể tham khảo trước kiến thức, tài liệu và các dạng bài tập qua mạng internet hoặc ở các khóa học trực tuyến để nắm vững phương pháp giải của mỗi dạng toán, từ đó giúp việc học trên lớp được tốt hơn.
(Nguồn: HOCMAI)