Rất nhiều người có thể sử dụng thành thạo một ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ, nhưng lại chần chừ không dám tiếp tục học thêm ngoại ngữ khác. Đây là sự lãng phí lớn, bởi một khi bạn đã nắm được các kỹ năng cần thiết để làm chủ một ngoại ngữ, việc học thêm ngoại ngữ khác sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Khi nào bạn nên học thêm ngoại ngữ nữa?
Bạn chỉ nên học thêm ngoại ngữ thứ hai, ba khi đã có thể giao tiếp trôi chảy với ngoại ngữ thứ nhất. Điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi những khó khăn và ảnh hưởng tiêu cực khi học nhiều ngoại ngữ cùng lúc ở mức độ sơ cấp.
Nếu cùng lúc học nhiều ngoại ngữ, nhiều khả năng bạn sẽ lẫn từ vựng, ngữ pháp. Đây là vấn đề rất lớn khi bạn phải chủ động giao tiếp, làm giảm quá trình thu nhận kiến thức của bạn ở cả hai ngôn ngữ. Để tránh việc này, bạn nên chỉ tập trung vào học một ngôn ngữ.
Sau khi thành thạo một ngôn ngữ, ít nhất là ở mức độ giao tiếp, bạn có thể bắt đầu học thêm ngoại ngữ khác. Một vấn đề cần được đặt ra là làm thế nào để giữ được khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ mà bạn đã thành thạo trong khi học ngoại ngữ mới.
Với kinh nghiệm cá nhân, tôi cố gắng sử dụng ngoại ngữ đầu tiên nhiều nhất có thể trong quá trình học ngoại ngữ thứ hai, thứ ba sau này. Điều này vừa giúp tôi ôn tập kiến thức của ngoại ngữ một, vừa giúp tôi phân biệt các ngoại ngữ tốt hơn.
Dĩ nhiên, việc nhầm lẫn và sử dụng lẫn lộn các ngoại ngữ vẫn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, càng gặp vấn đề này nhiều, bạn càng phân biệt các ngoại ngữ trong quá trình giao tiếp tốt hơn. Đồng thời, bạn sẽ tập được thói quen suy nghĩ kỹ càng hơn khi sử dụng từ ngữ trong mỗi ngôn ngữ, giúp khả năng giao tiếp chính xác hơn.
Bạn nên học thêm ngoại ngữ nào?
Câu hỏi lớn nhất cần trả lời là bạn thích ngôn ngữ nào hơn. Điều đó quyết định đến khả năng bạn tiếp thu ngoại ngữ. Bạn có thể chọn một ngoại ngữ tương đồng với ngôn ngữ bạn đã thành thạo hoặc một ngoại ngữ hoàn toàn khác biệt.
Khi học ngoại ngữ hoàn toàn khác biệt với những ngôn ngữ mà bạn biết, đừng lo, bởi bất cứ ai từng thành thạo một ngoại ngữ bất kỳ đều có lợi thế khi học thêm.
Thêm vào đó, học một ngoại ngữ khác biệt sẽ giảm đáng kể sự nhầm lẫn giữa các ngôn ngữ. Ví dụ, nếu bạn biết cả tiếng Anh và tiếng Nhật, khi giới thiệu mình là học sinh, sẽ có rất ít khả năng bạn có thể viết những câu lẫn lộn giữa hai ngôn ngữ như như "I am gakusei" ("I am" - "Tôi là" trong tiếng Anh; "gakusei" - "học sinh" trong tiếng Nhật).
Ngược lại, nếu bạn quyết định học ngôn ngữ có quan hệ gần với ngôn ngữ đã biết, ví dụ các ngôn ngữ Roman như tiếng Pháp và tiếng Italy, bạn có thể học nhanh hơn rất nhiều, cho dù khả năng nhầm lẫn sẽ cao hơn.
Làm thế nào để học nhanh hơn
Để học nhanh hơn ngôn ngữ mới, bạn nên ngồi xem lại cách mình đã học ngoại ngữ từ trước để tìm những điểm mạnh, yếu của mình trong quá trình học và lập kế hoạch cụ thể giúp bạn tối ưu hóa khả năng học tập.
Ngoài ra, một vấn đề rất lớn của những người mới học ngoại ngữ là ngại ngần không giao tiếp. Bạn giao tiếp càng nhiều, khả năng ghi nhớ và vận dụng hiệu quả các cách diễn đạt sẽ tăng lên rất nhiều, dẫn đến việc làm chủ ngôn ngữ nhanh hơn người khác.
Tập trung cải thiện điểm yếu
Nhờ việc đã thành thạo một ngoại ngữ từ trước đó, bạn có thể xác định điểm yếu của mình khi học và cố gắng cải thiện. Quá trình này cho dù mất thời gian, rất cần thiết cho việc trở nên thành thạo. Nhưng khi học ngoại ngữ thứ hai, thứ ba, bạn đã biết các điểm yếu này rồi, việc cải thiện sẽ nhanh hơn rất nhiều so với khi học ngoại ngữ đầu tiên.
Khẳng định mục tiêu của mình
Cũng như mọi người, thi thoảng bạn sẽ thấy nản khi học ngoại ngữ. Để giữ vững động lực học tập, bạn cần khẳng định mục tiêu và chia sẻ với bạn bè, thậm chí là trên mạng xã hội để tăng động lực.
Đừng để khó khăn làm nản lòng
Cuối cùng, cho dù việc học ngôn ngữ vẫn vô cùng khó, bạn biết là có thể thành công, vậy nên đừng nản lòng. Việc học ngôn ngữ cũng như thử thách trong cuộc đời. Đừng lo sợ việc bắt đầu lại lần nữa, đừng ngại nỗ lực và vượt qua khó khăn.
Phan Nghĩa (Theo Fluent in 3 Months)