Chia sẻ tại Tọa đàm "Giải pháp vốn lưu động cho doanh nghiệp thương mại giai đoạn cuối năm" trên VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế và chính sách ngân hàng tài chính Quốc tế cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng có gần 10.000 doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng hoạt động và phá sản. Nguyên nhân là thiếu vốn, đặc biệt vốn lưu động dẫn tới mất tính thanh khoản.
Nếu tiếp cận vốn kịp thời doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp thương mại - tham gia rất nhiều vào thị trường tiêu thụ, là những đối tượng chịu nhiều "tổn thương" nhất. Doanh nghiệp không có khả năng trả lương cho người lao động, trả tiền nhà cung cấp, trả tiền thuê mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và thanh toán các dịch vụ khác...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, những doanh nghiệp "khát vốn" thường gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, do không có tài sản bảo đảm. Trong khi đó, nhiều ngân hàng lại chỉ chú trọng đến tài sản bảo đảm khi cho vay khách hàng. Điều này làm cản trở khả năng tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
"Các ngân hàng thương mại ở Việt Nam cần chuyển hướng sang cho vay tín chấp nhiều hơn, khi mà các khách hàng của mình đáp ứng được những điều kiện. Ngân hàng nên hiểu doanh nghiệp và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho họ, thay vì chỉ nhăm nhăm vào tài sản bảo đảm. Doanh nghiệp có phát triển thì ngân hàng cũng mới phát triển mạnh được", Tiến sĩ Hiếu nhận định.
Đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, những dịp lễ, Tết đang tới gần, cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tính đặc thù mùa vụ như thương mại tiêu dùng nhanh (FMCG) là rất lớn. Ngoài ra, những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU... đang phục hồi mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Nếu được tiếp cận vốn kịp thời, doanh nghiệp sẽ phục hồi nhanh chóng và có sức bật tốt trong những năm sau.
Trên 70% doanh nghiệp có thể vay vốn không cần tài sản bảo đảm
Có chung quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng doanh nghiệp - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho rằng, hiện tồn tại vòng quay không khớp nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì muốn tiếp cận vốn nhưng không có tài sản bảo đảm. Ngân hàng muốn cho vay nhưng lại yêu cầu khách hàng có tài sản bảo đảm.
Đại diện của MSB cũng cho biết, nhà băng này đang triển khai những chính sách cởi mở cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm ngành thương mại. Theo đó, khách hàng có thể vay vốn không cần tài sản bảo đảm, hoặc vay với tỷ lệ, hạn mức cao hơn nhiều so với giá trị định giá tài sản bảo đảm của doanh nghiệp. Không những vậy, khách hàng doanh nghiệp còn được hưởng lãi suất ưu đãi từ 5 - 5,5%/năm đối với khoản vay VND, để có thể tiết giảm chi phí trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
"Trên 70% số lượng doanh nghiệp trên thị trường có thể tiếp cận được nguồn vốn tại MSB", ông Đức khẳng định.
Cụ thể, những doanh nghiệp thương mại chưa có quan hệ tín dụng tại ngân hàng vẫn có thể được cấp hạn mức tín chấp tới 15 tỷ đồng để xoay vòng vốn lưu động thường xuyên.
Đối với những doanh nghiệp có phương án kinh doanh, có hợp đồng đầu ra với các đối tác lớn, chứng minh được kế hoạch đó với ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tín chấp lên tới 200 tỷ đồng, trong đó vay vốn 100 tỷ đồng ko cần tài sản đảm bảo.
Các doanh nghiệp thương mại nếu có tài sản bảo đảm, MSB sẽ cấp hạn mức tín dụng lên đến 2,5 lần giá trị định giá tài sản bảo đảm (Thông thường, các ngân hàng chỉ cho vay 70 -80% giá trị định giá tài sản bảo đảm).
Đặc biệt, trong mùa Tết cao điểm kinh doanh, ngân hàng sẽ cấp hạn mức tín chấp tăng thêm lên đến 4 tỷ đồng cho các doanh nghiệp này và lên đến 10 tỷ đồng cho doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Các doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm thông tin và đăng ký vay tín chấp tại đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực hỗ trợ của ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh doanh nghiệp cũng phải tự cứu lấy mình bằng cách quan tâm hơn đến vấn đề quản trị rủi ro, đồng thời phải đưa ra những giả định, có kế hoạch kinh doanh phù hợp với thực tế.