Việc di chuyển thiết bị của các đội tham gia hơn 20 cuộc đua trải dài khắp các châu lục trong một mùa giải chỉ kéo dài 9 tháng đòi hỏi phải lập kế hoạch chuyên sâu và chính xác.
Năm 2021, DHL - đối tác hậu cần chính thức của mùa giải công thức 1 đã vận chuyển 1.540 tấn thiết bị và 532 ôtô, đi hơn 74.500 dặm. Tức là mỗi đội trung bình cần vận chuyển 44 đến 55 tấn, bao gồm rất nhiều thiết bị truyền thông phát sóng, thùng đựng lều và thiết bị phục vụ khách sạn, cùng hơn 22.000 pound thiết bị điện tử.
DHL còn tham gia vận chuyển cho cả giải công thức E (giải vô địch xe một chỗ quốc tế chạy hoàn toàn bằng điện) với khoảng 460 tấn thiết bị, bao gồm xe đua điện, pin và bộ sạc, được vận chuyển bằng các phương thức đa phương thức.
Các đội sẽ đóng gói thiết bị của mình vào thùng chứa hoặc pallet để vận chuyển trên đường, được gọi chung là bộ dụng cụ. Trung bình, những bộ dụng cụ này đến đường đua 14 ngày trước sự kiện và được dỡ bỏ một tuần sau đó. Ngoài các bộ dụng cụ, khoảng 120 container đường biển ở phía sau, vận chuyển các mặt hàng ít khẩn cấp hơn như đồ nội thất hoặc thiết bị phục vụ ăn uống đến các điểm đua.
Đối với vận chuyển đường hàng không hoặc đường bộ, thiết bị phải có mặt trên đường đua trước cuộc đua từ 8 đến 10 ngày. Các bộ dụng cụ trùng lặp, được vận chuyển bằng đường biển, cung cấp dịch vụ lưu trữ dự phòng ở nhiều địa điểm khác nhau trên mỗi lục địa.
DHL hoạt động với ba nhóm chuyên dụng - dịch vụ khách hàng trong nước, tại chỗ và đóng gói - đảm bảo quy trình liền mạch. Trước mỗi cuộc đua, các pallet ưu tiên chở vật liệu để dựng gara sẽ đến địa điểm đầu tiên. Điều này cho phép nhóm thiết lập hậu cần bắt đầu xây dựng khu làm việc trước khi những nhân sự và thiết bị còn lại đến nơi.
Thông thường, mất khoảng 60 màn hình máy tính, 400 dặm hệ thống dây điện và dây cáp để chạy cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong suốt cuộc đua. Đối với các cuộc đua vận chuyển bằng đường hàng không, các đội chỉ có thể bắt đầu tạo không gian riêng sau khi tất cả hàng hóa đã về đến để đảm bảo tính công bằng.
Đối với các cuộc đua ở châu Âu, xe tải là phương tiện di chuyển chính. Xe tải vận chuyển phải đáp ứng các tiêu chuẩn để đảm bảo xe F1 được giao trong tình trạng hoàn hảo và không làm gián đoạn cuộc chơi. Các bộ phận được phân loại thành quan trọng và thứ yếu. Trong đó, quan trọng là khung gầm, lốp xe, động cơ, cánh, máy tính và giá đỡ công nghệ thông tin. Thứ yếu gồm các bộ phận trong gara như kích và dụng cụ, được chia thành năm bộ. Những bộ này được vận chuyển bằng đường biển.
Trước khi vận chuyển bằng đường hàng không, ôtô được tháo rời từng bộ phận. Động cơ, hộp số, cánh gió trước sau, gương và các bộ phận treo đều được tháo ra và đóng gói vào hộp có rãnh xốp riêng hoặc bọc bong bóng để bảo vệ. Khung xe được đóng gói trong vỏ bọc.
Hầu hết các đội đều sử dụng máy bay chở hàng do Formula One Management (FOM) hợp tác với DHL thuê cho các cuộc đua đường dài. Những chiếc máy bay này bay từ Munich và London, chở thiết bị từ châu Âu đến các địa điểm đua. Mỗi đội mang theo đủ phụ tùng để chế tạo lại ôtô cùng 40 bộ lốp, 2.500 lít nhiên liệu, 200 lít dầu máy và 90 lít nước làm mát. Dụng cụ, máy tính và đủ lương thực để chuẩn bị cho 200 bữa ăn cũng là một phần của hàng hóa. Đội có số lượng thiết bị nhiều nhất có thể lên tới 50 tấn, trong khi những đội ít hơn cũng phải chuẩn bị đến 30 tấn thiết bị.
Tuệ Anh (theo Grand Prix 247)