1. Tôn trọng thiết kế, tuân thủ dự toán, định mức ban đầu
Cần làm việc với kiến trúc sư và đơn vị thiết kế, hiểu rõ thiết kế để tránh việc sửa đổi. Việc trao đổi thông tin rất quan trọng trong giai đoạn này.
Cần tìm hiểu và thống nhất rõ ràng đối với bảng dự toán liên quan đến các chủng loại vật tư, vật liệu, thiết bị. Tôn trọng thiết kế và tuân thủ dự toán, định mức; không thêm, sửa đổi hạng mục sẽ giảm thiểu chi phí phát sinh ở góc độ chuyên môn.
2. Thực hiện đúng các vấn đề về pháp lý xây dựng
Để tránh bị phạt, bị kiện tụng trong quá trình làm nhà, gia chủ cần thực hiện đúng các vấn đề về pháp lý xây dựng với sự tư vấn của đơn vị tư vấn thiết kế. Các yếu tố cần quan tâm đó là: mật độ xây dựng, chiều cao công trình, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng...
Với các công trình trong ngõ tiếp giáp liên quan đến nhiều nhà, cần có những thỏa thuận trước khi xây dựng, và được thể hiện bằng văn bản. Đó là yếu tố quan trọng để thi công suôn sẻ và giảm chi phí phát sinh.
3. Chuẩn bị sớm vật liệu
Giá vật liệu xây dựng luôn tăng, ít khi giảm, chính vì thế chuẩn bị sớm hạng mục này sẽ giảm được rủi ro chi phí phát sinh do tăng giá. Ở phần thô, với các loại vật liệu thép, xi măng, đá, cát, gạch xây, chủ nhà nên ký hợp đồng cung cấp trọn gói hết công trình với giá ở thời điểm ký.
Với các loại vật liệu, thiết bị hoàn thiện, cần đặt hàng sớm để có giá tốt và tránh hết hàng. Các loại vật tư, thiết bị có kích thước không lớn như ổ cắm, mặt hạt công tắc, dây điện, đèn, vòi chậu, vòi sen... có thể mua trước cất ở nhà.
4. Có sự tư vấn của nhà chuyên môn trong việc quản lý và sử dụng giám sát chuyên nghiệp
Nếu chủ nhà tự thực hiện việc quản lý dự án thì nên tận dụng, khai thác sự tư vấn của nhà chuyên môn (kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng) để thực hiện công việc hiệu quả và quản lý tài chính tốt.
Nên sử dụng (thuê) giám sát công trường chuyên nghiệp có chuyên môn và sức khỏe. Như vậy có thể tốn kém hơn một chút (định lượng được) so với tự giám sát nhưng thực tế hiệu quả cao hơn rất nhiều ở cả góc độ chuyên môn xây dựng, tiến độ và chi phí phát sinh (không định lượng được) và giảm sự vất vả, mệt mỏi cho chủ nhà.
5. Thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn lao động
Đây là những yếu tố quan trọng cho chất lượng công trình và tiến độ thi công. Nếu không thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng công trình có thể bị ảnh hưởng lâu dài, hay phải chỉnh sửa, làm lại ở ngay thời điểm đó - gây phát sinh.
An toàn lao động không chỉ tránh chi phí phát sinh rất không mong muốn mà còn làm cho công trình đúng tiến độ, và mang lại cảm giác thoải mái bình an cho gia chủ trong quá trình xây dựng và ở sau này.
6. Thực hiện phương thức thi công chìa khóa trao tay
Đây là một phương thức chuyên nghiệp, dù không mới nhưng cũng chưa phổ biến với những công trình nhà dân khi đa số chủ nhà vẫn tự làm theo một cách, một phạm vi nào đó.
Phương thức chìa khóa trao tay với bản hợp đồng ký trọn gói theo một mức giá thỏa thuận từ đầu sẽ triệt tiêu hầu hết các chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng. Để thực hiện phương thức này, gia chủ cần tìm hiểu rõ năng lực và uy tín của đơn vị thi công, cũng như cần hiểu kỹ quy trình làm việc, bản thiết kế và bảng dự toán.
7. Cân đối tài chính và nên có quỹ dự phòng
"Làm nhà thì tốn", chuyện muôn đời vẫn vậy. Thế nên, dù xây nhà theo cách thức nào, chuẩn bị chu đáo đến đâu, thì thực tế muôn hình vạn trạng vẫn có thể có những phát sinh.
Vì thế, trong mọi trường hợp chủ nhà cần cân đối tài chính và nên có một quỹ dự phòng để cho các chi phí phát sinh. Quỹ dự phòng này có thể dao động 5-20% tùy theo phương thức thi công, hoàn cảnh cụ thể và tình hình thị trường; và nên đặt riêng ra, không để trong chi phí xây dựng công trình.
Cũng cần tính toán tới việc mua sắm đồ đạc gia dụng trong ngôi nhà mới, tránh tình trạnh "dốc hết vốn" xây nhà mà thiếu tiền phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Kiến trúc sư Nguyễn Trần Đức Anh