Trong việc hướng con đọc sách, việc khó nhất không phải là làm thế nào để con đọc được, mà là nuôi dưỡng và giữ được tình yêu đọc sách trong con.
Mình đọc sách cùng cả hai con, đứa lớn học rất nhanh, từ nhìn qua một lần đã nhớ và chỉ sau một thời gian ngắn đọc sách cùng bố, chàng trai đã hòa nhập và đứng trong nhóm học sinh đọc sách tốt ở trường của Mỹ. Ngược lại, cô con gái bé tên Suzie lại đọc rất chậm và hay quên. Dưới đây là những kinh nghiệm đọc sách cùng cô bé "chậm đọc" này.
Suzie gặp khó khăn ngay từ những ngày đầu học chữ. Mình mua một bộ đồ chơi hình chữ cái A B C để con làm quen với mặt chữ. Rồi bắt đầu bằng ba chữ cái A B C, mình cho con vừa học vừa chơi đố, mỗi ngày tăng thêm một vài chữ.
Sau khi Suzie đã thuộc sơ sài, mình viết bảng chữ cái lên tường và bắt đầu chơi một trò khác: chỉ vào bảng chữ cái và hỏi. Nếu trả lời đúng, con được 1 điểm, trả lời sai, bố được điểm. Ròng rã thêm vài tuần thì con cũng nắm được sơ sơ chữ cái.
Đến phần đọc, việc đầu tiên là làm quen với chữ viết thường (lower case), và âm của từng chữ. Các bài "phonics song" tương đối hiệu quả, là một khởi đầu tốt. Vì con học trong môi trường ESL (ở Mỹ), mình không cần phải dạy phát âm nữa, việc dạy theo "phonics" nhàn hơn. Với trẻ ở Việt Nam, cần lưu ý, phương pháp "phonics" khó áp dụng hơn rất nhiều vì giáo viên và học sinh đều có thể phát âm không chuẩn, dẫn đến đọc sai.
Sau khi nhận diện được chữ cái và âm, mình bắt đầu đọc sách cùng con. Khi chọn sách, cần lưu ý chọn những cuốn phù hợp với khả năng đọc và sở thích của bé. Với Suzie, mình chọn sách đơn giản (mỗi trang chỉ 1-6 chữ), có nội dung liên quan đến Elsa, Pony hay động vật.
Khi đọc sách, mình áp dụng ba phương pháp: phonics (với những từ dùng được như "dog"), "whole-word" (với những từ không dùng "phonics" được như: "he") và bối cảnh (ví dụ khi trang sách có hình con chó màu trắng và ở dưới là "white dog"). Cần nhớ, mục đích là để trẻ "giải mã" được chữ cái, phương pháp nào giúp trẻ nhớ được chữ đều là hiệu quả.
Mình bắt đầu đọc sách cùng con bằng chữ "the" (phương pháp "whole-word") vì đây là chữ xuất hiện nhiều nhất trong tiếng Anh. Mình yêu cầu Suzie nhớ mặt chữ "the", và đọc mỗi khi chữ "the" xuất hiện - phần còn lại là bố đọc. Ví dụ, "a dog eats THE bone" thì con đọc chữ "the", còn lại bố đọc.
Sau đó, mình dạy con đọc chữ "dog" bằng "phonics" (vì trong cuốn sách có nhiều chữ này), rồi tăng dần số từ con tự đọc đến lúc nàng có thể tự mình đọc cả cuốn.
Bây giờ Suzie biết đánh vần những chữ cơ bản bằng "phonics" (như "bed", "meet"), nhớ mặt chữ đơn giản (như "he", "do"), và biết cách "nhìn hình đoán chữ" (như "big dog, little dog"). Nhưng quan trọng nhất, con rất thích đọc sách.
Ngày xưa, mỗi sáng, gọi con gái dậy đi học là một cực hình với bố. Giờ thì đơn giản rồi, chỉ cần đọc thần chú: "Suzie, do you wanna read a book?" là nàng vùng chăn dậy ngay.