Khi con người phải đối mặt với nhiều căng thẳng trong cuộc sống, việc học cách kiểm soát và xử lý cảm xúc là rất cần thiết và phải dạy cho trẻ từ sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ có chỉ số cảm xúc (EQ) cao có nhiều cơ hội đạt thành tích tốt tại trường và đưa ra những lựa chọn lành mạnh. Việc cải thiện EQ mang đến lợi ích thiết thực cho trẻ em. Dưới đây là những cách cải thiên EQ:
Tạo thói quen gia đình
Gia đình là cái nôi của mỗi đứa trẻ. Bạn không thể đặt ra hàng loạt yêu cầu nhưng lại không làm gương cho trẻ, điều này không ngoại lệ với các yếu tố cảm xúc. Để cải thiện chỉ số cảm xúc của trẻ, thành viên trong gia đình nên đồng hành.
Trước khi bắt đầu trở thành gia đình chú trọng về trí tuệ cảm xúc, bạn cần đảm bảo mọi người đều hiểu vì sao cần cải thiện chỉ số này. Bạn có thể bắt đầu từ việc khuyến khích các thành viên chia sẻ cảm nhận, giải quyết xung đột trên tinh thần xây dựng, hòa giải, tổ chức nhiều hoạt động tập thể để gắn kết tình cảm...
Làm gương
Tương tự việc xây dựng thói quen gia đình, người lớn cần làm gương. Dù bạn có thể giải thích trí tuệ cảm xúc là gì và tại sao nó quan trọng, không có phương pháp nào tốt hơn việc bạn tự mình mô tả. Nếu hàng ngày được tận mắt chứng kiến sự đồng cảm, quan tâm hay lòng trắc ẩn từ phía bạn, trẻ sẽ có nhiều cơ hội bắt chước và tạo thành thói quen duy trì các cảm xúc đó.
Khi trẻ bắt đầu cải thiện trí tuệ cảm xúc, hãy khen thưởng và khích lệ. Điều này tạo tác động tích cực mạnh hơn nhiều việc phê bình và khiển trách hành vi tiêu cực của trẻ.
Tập giữ bình tĩnh
Khi trẻ giận dữ hoặc cảm thấy mọi việc đang ở ngoài tầm kiểm soát, một trong những cách phản ứng lành mạnh nhất là dừng lại, hít thở sâu và cảm nhận những gì đang xảy ra. Điều này được gọi là "khoảnh khắc meta". Tuy nhiên, một đứa trẻ không thể tự làm được việc này mà cần sự hỗ trợ từ phía người lớn.
Khi chúng có thể bình tĩnh, áp dụng "khoảnh khắc meta", bộ não có thể tạm ngừng tiếp nhận suy nghĩ, cảm xúc "độc hại", thay vào đó tạo ra cảm xúc lành mạnh hơn. Không chỉ trẻ em, việc này cần thiết với cả người lớn.
Tôn trọng cảm xúc của trẻ
Bạn và trẻ cần hiểu việc xử lý cảm xúc một cách thông minh, tích cực không có nghĩa là gạt bỏ hoặc phủ nhận những cảm xúc tiêu cực. Có chỉ số EQ cao không đồng nghĩa việc trẻ không thấy tức giận hay buồn bã, mà nhận ra chúng để xử lý.
Do đó, ngoài việc dạy trẻ về những điều tích cực, bạn còn cần chỉ ra việc có cảm xúc tiêu cực hết sức bình thường và học cách loại bỏ chúng. Bạn hãy giúp trẻ hiểu bất cứ khi nào khó khăn có thể tìm đến sự giúp đỡ của người lớn.
Thanh Hằng (Theo Parents)