Hỏi:
Con trai tôi năm nay 6 tuổi, nặng 40 kg. Gia đình đã cắt sữa vì thấy bé tăng cân nhanh quá. Mỗi ngày con ăn tối đa ba bữa sáng, trưa, chiều trong đó có trái cây, nước ép. Bé vận động bình thường, chơi đá banh, đi bơi gần hai tháng nhưng vẫn không giảm cân. Nhờ bác sĩ tư vấn. (Vân Anh)
Trả lời:
Theo bảng chiều cao cân nặng của trẻ 6 tuổi, bé 6 tuổi có chiều cao trung bình 110-120 cm, nặng 22-25 kg. Như vậy, con bạn đang bị thừa cân khá nhiều. Tình trạng này không chỉ mới xuất hiện trong mấy tháng vừa rồi mà có từ khi con còn nhỏ. Vì vậy, không thể điều chỉnh được ngay trong vài tháng. Phụ huynh cần chuẩn bị tinh thần cho một chương trình điều trị béo phì kéo dài cho đến khi con hết tuổi dậy thì.
Thứ nhất, với mục đích giữ nguyên cân nặng hiện nay, bé cần tăng chiều cao cho tới khi tương xứng với cân nặng. Khi bé cao 150 cm, chúng ta mới điều chỉnh cân nặng cho phù hợp. Nhưng trong độ tuổi này, trẻ sẽ không tăng chiều cao nhiều. Thông thường sau khoảng 2 tuổi, tốc độ tăng chiều cao sẽ chậm lại vì đây là sinh lý của cơ thể con người. Khi đó, điều chỉnh để trẻ tăng cân hàng tháng tương ứng với tăng chiều cao thì trẻ sẽ không bị thừa cân béo phì. Với trường hợp này, có lẽ bố mẹ đã bỏ qua giai đoạn 2-6 tuổi và việc bồi bổ làm cho bé tăng cân nhiều hơn tăng chiều cao. Điều này khiến bé có khả năng dậy thì sớm. Trẻ dậy thì sớm có thể không tăng chiều cao khi trưởng thành hoặc không đạt chiều cao theo tiềm năng di truyền.
Thứ 2, cắt sữa không có nghĩa là bé giảm được năng lượng khẩu phần, bởi vì trẻ tăng cân dựa trên tổng năng lượng ăn vào. Về nguyên tắc, trẻ càng thừa cân thì nạp càng nhiều lượng sữa để giảm phần thức ăn lại.
Chẳng hạn, một ly sữa không béo không đường 200-250 ml chỉ có khoảng 130-150 kcal; trong khi một chén cơm có khoảng 300 kcal. Do đó, để giảm cân và tăng chiều cao cho bé, người ta thường thay bữa cơm bằng một ly sữa. Tức là chúng ta sẽ cho trẻ uống ly sữa không béo không đường vào đầu bữa ăn và giảm tất cả thức ăn giàu năng lượng trong bữa. Bé sẽ nhận được đầy đủ dinh dưỡng giúp cho xương và các cơ quan trong cơ thể không bị hư hỏng. Vì trong sữa có đủ những chất dinh dưỡng cần thiết, nhưng năng lượng lại không quá nhiều đến mức tạo thành mỡ dự trữ. Như vậy, không nên cắt sữa cho bé trong giai đoạn này.
Thứ 3, bé sẽ tăng cân dựa vào mọi thứ bé ăn. Trong trường hợp này, các loại trái cây ngọt và nước ép đều có thể làm cho trẻ tăng cân. Các dạng thịt, cá, thức ăn giàu bột đường cũng có thể gây tăng cân. Nguyên tắc chung để giúp trẻ giữ được cân nặng trong khi chiều cao vẫn tăng là tăng sữa trong khẩu phần, giảm bớt những thực phẩm nhiều năng lượng như đồ chiên, quay, ngọt. Nếu có thể, phụ huynh nên đưa bé đi khám vì hiện bé thừa cân khá nhiều.
TS.BS Đào Thị Yến Phi
Cố vấn chuyên môn Hệ thống Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome