Đầu 2010, Bùi Xuân Lâm chân ướt chân ráo từ Trung tâm văn hóa huyện Anh Sơn về nhậm chức Phó giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An, song chưa đầy 2 năm thì bỗng nhiên "mất tích". Có tin cho rằng Lâm vỡ nợ nên bỏ trốn, song nhiều người không tin đó là sự thật, Họ quả quyết cơ hội thăng tiến đang rộng mở, không dễ gì Lâm đánh đổi đời mình. Nhưng tới một ngày tháng 2/2012, tin Lâm đến cơ quan điều tra đầu thú và khai nhận hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền gần chục tỷ đồng thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. Vỏ bọc hào nhoáng, tiêu tiền như nước của Lâm được "vẽ" ra bấy lâu hóa ra từ tiền lừa đảo.
Kết quả điều tra xác định, từ 10/2010 kể từ khi nhậm chức phó giám đốc đến tháng 1/2012, Lâm đã thực hiện trót lọt gần 120 vụ lừa đảo với gần 10 tỷ đồng, trong đó có hơn 80 nạn nhân trực tiếp, 23 người qua trung gian, 8 đại gia trong lĩnh vực xây dựng mắc bẫy "chạy dự án".
Lâm bị tuyên án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hiện thụ án tại Trại giam số 6 (Tổng cục VIII, Bộ Công an).
Trò chuyện trong trại giam, Lâm kể mình là người hoạt náo, hòa đồng nên quen biết rộng, nhiều người thấy vậy nên nhờ vả xin việc vào biên chế tại các cơ quan nhà nước.
Thời gian đầu, Lâm cũng xin việc được cho một số người nên uy tín càng tăng và gã càng ngày càng thích thú với "nghề" tay trái. Lâm bảo chỉ nghĩ đơn giản giúp đỡ người khác vừa được mang ơn. Thế nhưng, công việc kinh doanh của gia đình ngày càng khó khăn, cộng với nợ nần chồng chất, Lâm ngày càng lún sâu vào việc lừa đảo.
Nói về thú "đốt tiền", Lâm thừa nhận đó chỉ là chiêu trò để tự khoe mẽ, đánh bóng bản thân, nâng cao vị thế để tiếp tục lừa thêm được nhiều người. Lâm tận dụng mối quan hệ công chức của mình, lân la tìm hiểu chỉ tiêu tuyển dụng nhân sự, nhu cầu biên chế của nhiều cơ quan, thậm chí những khi bí thông tin, gã lên mạng Internet để tìm kiếm để sau đó "nổ" cho có bài bản.
Lâm chỉ tiêu duy nhất loại tiền 500.000 đồng, lúc nào cũng một xấp dày để trong túi quần. Mỗi lần đi qua ngã ba, ngã tư hay cầu phà, thấy cần phải "giải xui", Lâm sẵn sàng rút ra một vài tờ vứt lại.
Lâm còn có sở thích hầu đồng, bói toán. Tiền công đức và những lần đặt lễ giải hạn, Lâm vẫn chỉ dùng loại 500.000 đồng.
"Công tử Bạc Liêu xứ Nghệ" này ước tính rằng trong gần 2 năm đã "nướng" hơn 2 tỷ đồng vào hầu đồng, lễ chùa, giải hạn và rải ở ngã ba, ngã tư đường. Khoảng 1,5 tỷ đồng, Lâm dùng thiết đãi bạn bè và bao các cô gái chân dài nhằm khuyếch trương thanh thế và đánh bóng tên tuổi.
Nỗi ám ảnh, day dứt lớn nhất của Lâm lúc này là trong thời gian sa ngã ấy, dù nhận hàng tỷ đồng nhưng anh ta không đưa cho vợ con đồng nào. Gia đình hàng ngày vẫn phải sống khổ sở từ những đồng lương giáo viên chắt cóp của vợ trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp do bố mẹ để lại.
Lâm lúc này luôn tâm niệm phải yên tâm cải tạo tốt để còn mong có ngày được về lại xã hội. Anh ta bảo đã tìm thấy niềm vui lớn trong trại giam khi được Ban Giám thị tạo điều kiện cho tham gia đội văn nghệ.
Trong cuộc thi phạm nhân tuyên truyền, giới thiệu và kể chuyện theo sách do Trại giam số 6 tổ chức vào ngày 18/3 vừa qua, hình ảnh Lâm say sưa thuyết trình sách và cháy hết mình trong ca khúc do chính anh sáng tác với tựa đề "Gửi em trang sách, bài thơ" chẳng ai nghĩ đó là tinh thần của một phạm nhân đang "cõng" trên mình cái án chung thân đời người...
Theo Cảnh sát toàn cầu
>> Xem thêm: Quái chiêu lừa tiền tỷ của 'yêu nữ hàng hiệu'