Theo thống kê từ Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam, có đến 47,49% người Việt bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh. Việc phát hiện muộn dễ khiến người bệnh gặp phải các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, suy tim, gây tàn phế hoặc tử vong.
Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam (VSH) là thành viên của Hội Tăng Huyết áp Thế giới (ISH). Từ năm 2017 đến nay, VSH đã phối hợp chặt chẽ với ISH để thực hiện việc tầm soát tăng huyết áp cho người dân trên 18 tuổi qua chương trình "Tháng 5 Đo Huyết áp" .
Qua tầm soát gần 235.000 người trên toàn quốc trong những năm qua, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp là 30,71%, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị là 83,58%. Tuy nhiên, số người đã điều trị nhưng chưa kiểm soát được bệnh lên đến 41,87%.
Cùng tìm hiểu về cách chẩn đoán sớm bệnh tăng huyết áp cũng như những lưu ý khi theo dõi huyết áp tại nhà thông qua cuộc phỏng vấn với GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tăng huyết áp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.
- Tăng huyết áp được mệnh danh là "Kẻ giết người thầm lặng" do các triệu chứng khá mờ nhạt, thậm chí không có. Vậy làm cách nào người bệnh có thể phát hiện sớm căn bệnh này trước khi nó gây ra các biến chứng nguy hiểm, thưa bác sĩ?
Quả thật, Tổ chức Y tế Thế giới (ISH) muốn nâng cao cảnh báo về bệnh Tăng huyết áp (THA) khi dùng cụm từ rất ấn tượng trên, với hàm ý đây là căn bệnh thế kỷ có nguy cơ gây tử vong rất cao. Bên cạnh đó, THA thường không có triệu chứng điển hình nhưng khi có triệu chứng gần như đã là biến chứng tại cơ quan đích như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu, suy thận, tắc mạch máu ngoại biên, mù mắt...
Dù vậy, việc phát hiện và chẩn đoán THA thật ra lại rất đơn giản, không quá khó khăn như người ta vẫn nghĩ. Mọi người chỉ cần theo dõi huyết áp thường xuyên, có thể là tự đo tại nhà, sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế những biến chứng đã nêu trên.
- Để quản lý tốt bệnh tăng huyết áp, bên cạnh điều trị và điều chỉnh lối sống, việc theo dõi huyết áp tại nhà có vai trò như thế nào, thưa bác sĩ?
Việc theo dõi huyết áp tại nhà có vai trò nổi bật, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Ngoài việc phát hiện sớm bệnh để điều trị hiệu quả, phương pháp này còn giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do tiếp xúc trực tiếp, nhưng lại tăng sự tương tác giữa bệnh nhân và thầy thuốc một cách khoa học và giúp điều trị THA hiệu quả hơn. Ngoài ra, đo huyết áp tại nhà còn giúp phân loại chẩn đoán các thể THA đặc biệt như: THA áo choàng trắng, THA ẩn giấu, THA kháng trị,...
- Hiện đã có khuyến cáo chính thống nào từ các hiệp hội uy tín về việc quản lý huyết áp tại nhà chưa, thưa bác sĩ?
Riêng tại nước ta, các khuyến cáo của Phân Hội THA Việt Nam/Hội Tim mạch Việt Nam trước đây thường nhấn mạnh kỹ thuật đo huyết áp tại phòng khám (OBP) là chính. Phương pháp đo huyết áp tại nhà và đo lưu động 24 giờ chỉ được đưa vào khuyến cáo như một phương pháp hỗ trợ và nghiên cứu.
Tuy nhiên với tình hình hiện nay, việc đo huyết áp tại nhà đóng vai trò quan trọng. Do đó, Phân Hội THA Việt Nam đã và đang soạn thảo, cập nhật khuyến cáo THA 2021. Đây là lần đầu tiên có khuyến cáo trực tiếp phương pháp đo huyết áp tại nhà và nội dung sẽ được công bố trong Hội nghị THA toàn quốc lần thứ IV năm 2021 tại Cần Thơ.
- Trên thị trường có nhiều loại máy đo huyết áp tại nhà. Theo bác sĩ, người dùng cần lưu ý những tiêu chí nào khi lựa chọn máy?
Hiện nay có 3 loại máy đo với kỹ thuật khác nhau, gồm:
- Máy đo thủy ngân: Chuẩn xác nhưng cồng kềnh, bất lợi, ít phổ biến
- Máy đo đồng hồ: Rẻ tiền, cơ động nhưng cần phải chuẩn hóa sau thời gian dùng, độ chính xác phụ thuộc vào người đo.
- Máy đo điện tử tự động: Đắt tiền hơn nhưng dễ sử dụng, chính xác và được chuyên gia khuyên dùng khi đo huyết áp tại nhà.
Việc chọn một máy đo huyết áp cần đáp ứng các tiêu chí chính xác, tin cậy cao và phù hợp điều kiện kinh tế cá nhân.
- Một số máy đo huyết áp tại nhà có chế độ đo liên tiếp và lấy chỉ số trung bình. Bác sĩ đánh giá như thế nào về độ hiệu quả và tính chính xác của tính năng này?
Một trong những sai sót thường gặp khi đo huyết áp tại nhà là người đo không đảm bảo khâu chuẩn bị và không đo đúng cách. Theo khuyến cáo của Hội THA Châu Âu, để chẩn đoán THA lần đầu phải đo tối thiểu 2 lần vào 2 thời điểm khác nhau trong 3 ngày hoặc tốt nhất 7 ngày liên tiếp. Sau đó, loại bỏ trị số huyết áp ngày đầu tiên rồi lấy trị trung bình các lần đo.
Nếu theo dõi huyết áp điều trị, bệnh nhân cần đo huyết áp 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 phút và lấy giá trị trung bình. Với những máy đo trang bị sẵn tính năng như vậy sẽ hỗ trợ hiệu quả và đỡ vất vả tính toán cho bệnh nhân.
- Người mắc tăng huyết áp thường là người cao tuổi, có lưu ý nào đặc biệt khi chọn máy đo tại nhà dành cho đối tượng này không, thưa bác sĩ?
Đối với người cao tuổi có thị lực và thính lực kém, nên chọn mua những máy trang bị sẵn những tính năng hỗ trợ việc nhận biết kết quả một cách dễ dàng như: chữ số trên màn hình to, hiển thị đèn báo hiệu khi huyết áp cao quá mức bình thường... Một số máy hiện đại còn thông báo kết quả bằng giọng nói hoặc chuyển kết quả qua bluetooth cho thầy thuốc gia đình xử lý.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Anh Ngọc