Vụ cháy ở nhà máy sản xuất băng giấy vệ sinh của Công ty Diana (Bắc Ninh) ngày 25/10, theo tôi thì hoàn toàn có thể đề phòng, ngăn chặn được trước. Tại sao tôi lại nghĩ vậy, vì vật cháy ở đây là các sản phẩm từ giấy, thứ dễ dập tắt nhất (khác với xăng dầu, hóa chất), lại ở độ cao dưới 15m.
Đối với trường hợp này, tôi nghĩ các điều kiện để chặn cháy hiệu quả là :
Thứ nhất: Các doanh nghiệp nên đầu tư khoảng 3, 4 bể nước (mỗi bể chứa khoảng 500 m3) ngay sát các kho, xưởng với các máy bơm tại chỗ (bơm chạy bằng xăng, độc lập với điện lưới). Bể hình ống kín chạy dọc kho, xưởng, có các họng hút nước theo khoảng cách phù hợp. Điều này rất quan trọng, bởi nếu chờ xe cứu hỏa tới, mỗi xe 3 đến 5 m3 nước thì lượng nước tại chỗ đã đáp ứng đủ, hơn nữa nước lại có ngay tức thì.
Thứ hai: Khi xảy ra hỏa hoạn, cần báo cháy kịp thời. Để làm được việc này, cần phải lắp thiết bị tự động báo cháy đặt ở những điểm xung yếu khi có khói, lửa, nhiệt độ tăng trên 70 độ C và được định vị ngay nơi phát hỏa.
Thứ ba: Lực lượng PCCC tại công ty có nhiệm vụ dập tắt ngay bằng phun nước ồ ạt vào chỗ được báo tín hiệu khói lửa khi mới phát sinh, còn nhỏ.
Với ba điều kiện trên, tôi nghĩ nếu doanh nghiệp nào thực hiện được thì sẽ giảm bớt được rất nhiều về thiệt hại tài sản nếu xảy ra hỏa hoạn. Nhưng để đảm bảo được điều kiện một thì yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn cả.
Theo tôi ước lượng, với suất đầu tư khoảng 500.000 đồng cho mỗi dung tích chứa 1m3 thì muốn có hệ thống bể chứa 1500 – 2000 m3 nước sẽ cần khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền đó so với thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng trong vụ cháy vừa qua ở nhà máy Diana (Bắc Ninh), tôi nghĩ cũng đáng đầu tư để không còn lo cháy rình rập bất cứ lúc nào.
>> Xem thêm: Đám đông cổ vũ 2 người leo mái nhà dập cháy nổ
Chia sẻ phương pháp phòng chống cháy nổ của bạn tại đây.