Thành thạo 6 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Quan Thoại, Nga, Croatia, Nhật), Shannon chia sẻ phương pháp nuôi dạy con trai thành trẻ song ngữ.
Khi tôi và chồng chào đón con đầu lòng, chúng tôi đã thảo luận việc có nên nuôi dạy cháu trở thành trẻ song ngữ hoặc đa ngôn ngữ hay không. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ những gì tìm hiểu, phương pháp tôi áp dụng đối với con trai mình.
Đầu tiên, có rất nhiều tranh luận xoay quanh việc tại sao phải nuôi dạy một đứa trẻ song ngữ?. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc dạy trẻ ít nhất hai ngôn ngữ mang lại những giá trị tuyệt vời cho chính các em. Những ích lợi này bao gồm: khả năng giao tiếp với đám đông, phát triển tính cách cởi mở, tăng khả năng tập trung, mở rộng cơ hội việc làm trong tương lai, tiếp cận với đa dạng nền văn hóa. Cuối cùng là giúp chống lại bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer.
Một nghiên cứu chống lại những lập luận này cho rằng dạy trẻ nhiều ngôn ngữ có thể khiến chúng bị rối loạn hoặc hạn chế khả năng tiếp thu. Nhưng nhiều chuyên gia đã chứng minh đây là nhận định sai lầm.
Khi trưởng thành, tôi thường nghe bố than thở về việc ông nội chưa bao giờ dạy bố và bác tôi tiếng Croatia, ngôn ngữ mẹ đẻ của bố tôi. Sự tiếc nuối của bố đã tạo ra tác động lớn đối với tôi. Đó là lý do giờ đây tôi đang học tiếng Croatia.
Tôi không muốn các con phải chịu sự nuối tiếc như ông nội. Tôi muốn các con được tiếp thu và gìn giữ ngôn ngữ, di sản văn hóa của bố mẹ. Nếu sau này khi lớn lên không học ngôn ngữ, tôi sẽ tôn trọng quyết định của con, nhưng giờ đây điều tối thiểu tôi có thể làm là dạy con những ngôn ngữ mà tôi thành thạo.
Khi nói đến việc nuôi dạy thành công trẻ song ngữ, thực tế là không có quy tắc chung dành cho mọi đối tượng. Vì vậy, bạn nên tìm kiếm và thử áp dụng nhiều phương pháp để tìm ra chương trình phù hợp cho con cái. Dưới đây là những phương pháp nuôi dạy trẻ song ngữ phổ biến nhất mà tôi đã tìm hiểu.
1. Mỗi người một ngôn ngữ
Phương pháp mỗi người một ngôn ngữ (OPOL) có nghĩa là bố và mẹ sẽ sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau khi giao tiếp với trẻ. Chẳng hạn người mẹ nói với con bằng tiếng Bồ Đào Nha trong khi người bố sử dụng tiếng Anh.
Phương pháp này vô cùng hiệu quả khi hai ngôn ngữ này khác với ngôn ngữ cộng đồng dân cư của họ đang sử dụng. Như tôi đưa ra phía trên, gia đình này có thể sinh sống tại Nhật Bản và do đó đứa trẻ sẽ học tiếng Nhật từ mọi người xung quanh hoặc trong trường học.
OPOL thường được đánh giá là phương pháp nuôi dạy trẻ song ngữ tốt nhất vì hạn chế việc trẻ bị xáo trộn ngôn ngữ. Nó cũng đảm bảo các em được tiếp xúc và sử dụng thường xuyên cả hai ngôn ngữ. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, cố gắng từ phía bố mẹ.
2. Ngôn ngữ phụ khi ở nhà
Phương pháp ngôn ngữ phụ khi ở nhà (ML@H) được sử dụng khi phụ huynh muốn con học ngôn ngữ ít phổ biến trong cộng đồng nhưng cá nhân họ coi trọng. Điều này có nghĩa là tại nhà, phụ huynh sẽ giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ phụ. Chẳng hạn vợ chồng đều nói tiếng Pháp ở nhà (dù đó không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của cả hai), nhưng sống ở Đức, nơi đứa trẻ sẽ học tiếng Đức ở ngoài xã hội.
3. Thời gian và địa điểm
Phương pháp thời gian và địa điểm (T&P) thường được áp dụng trong các trường học song ngữ. Buổi sáng, trẻ sẽ được học một ngôn ngữ trong khi buổi chiều là ngôn ngữ khác. Hoặc có thể thứ ba và thứ năm, trẻ sẽ học ngôn ngữ chính trong khi thứ hai, thứ tư và thứ sáu là thời gian dành cho ngôn ngữ phụ. Phụ huynh có thể điều chỉnh thời gian giảng dạy phù hợp với con.
4. Ngôn ngữ hỗn hợp
Theo phương pháp ngôn ngữ hỗn hợp (MLP), phụ huynh sẽ luân phiên sử dụng ngôn ngữ khác nhau với trẻ, phụ thuộc vào ngữ cảnh giao tiếp. Ví dụ cha mẹ sử dụng ngôn ngữ được hầu hết mọi người dùng khi nói về bài tập, hoạt động tại trường, thảo luận với con các vấn đề cá nhân bằng ngôn ngữ ít phổ biến hơn.
5. Hai bố mẹ, hai ngôn ngữ
Cách tiếp cận hai bố mẹ, hai ngôn ngữ (2P2L) là phương pháp tôi chia sẻ thêm, dành cho phụ huynh muốn nuôi dạy trẻ đa ngôn ngữ. Phương pháp này đòi hỏi bố và mẹ đều phải biết song ngữ. Chẳng hạn người mẹ nói với con bằng tiếng Anh, tiếng Đức trong khi người bố sử dụng tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông.
Phụ huynh không nhất thiết phải đi theo một phương pháp duy nhất mà có thể kết hợp tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh sống và tình huống sử dụng. Tuy nhiên, bất kể phương pháp nào, trẻ cũng cần được cung cấp nhiều tài liệu học và sự nhất quán trong việc giảng dạy từng ngôn ngữ.
Đối với đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi giao tiếp với cháu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh tại nhà. Với mục đích dạy con, chúng tôi đã hạn chế việc nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ này và bồi thêm một vài từ của ngôn ngữ còn lại.
Ngoài cộng đồng, gia đình tôi nói tiếng Anh, trong khi chồng tôi chỉ sử dụng tiếng Pháp. Như vậy, con trai tôi có thể dễ dàng tiếp thu tiếng Anh và tiếng Pháp và hiểu rằng nếu muốn giao tiếp với người thân, cháu sẽ phải học cả hai.
Thừa thắng xông lên, vợ chồng tôi quyết định nói chuyện với con bằng tiếng Trung Quốc. Chúng tôi đang đi theo phương pháp OPOL khi chồng tôi giao tiếp với con trai bằng tiếng Pháp còn tôi sử dụng tiếng Trung Quốc. Vì chúng tôi sống ở Mỹ nên không lo lắng về khả năng tiếng Anh của con. Cháu sẽ luyện tập nó với ông bà và trong trường học.
Tất nhiên theo thời gian và độ tuổi của con, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh phương pháp giáo dục nhưng tôi tin rằng những chiến lược của mình sẽ tiếp tục phát triển theo quá trình trưởng thành của con. Và cuối cùng, một trong những cách học ngôn ngữ tốt nhất là sử dụng podcast. Mọi người hãy tham khảo cách sử dụng và tính năng tuyệt vời của podcast ngay hôm nay nhé.
Tú Anh (Theo Fluent in 3 Months)