Zhao Xicheng, hiện 92 tuổi được mệnh danh là "Vua tàu biển người Hoa". Từ hai bàn tay trắng, ông đã gây dựng nên một cơ ngơi khổng lồ trên đất Mỹ. Sáu con gái của ông được gọi là "Triệu thị lục kim hoa" (Sáu bông hoa vàng nhà họ Triệu), khiến người người phải ngả mũ kính phục.
Con gái cả Zhao Xiaolan (bà Elaine Chao) tốt nghiệp Đại học Harvard, hiện là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Mỹ. Con gái thứ hai Zhao Xiaoqin tốt nghiệp Đại học William & Mary, hiện là giám đốc công ty. Con gái thứ ba Zhao Xiaomei tốt nghiệp Harvard, cựu giám đốc Cục Bảo vệ người tiêu dùng bang New York. Con gái thứ tư Zhao Xiaofu tốt nghiệp đại học Columbia, cựu phó chủ tịch General Electric, hiện là luật sư. Con gái thứ năm Zhao Xiaoting hiện là giáo sư tại Đại học Harvard và Columbia. Cô con gái út Zhao Anji tốt nghiệp Đại học Harvard, Phó chủ tịch tập đoàn Foremost và là người kế nhiệm của cha mình.
Các con rể của "vua tàu biển gốc Hoa" có người làm trong Thượng viện Mỹ, cổ đông lớn của Facebook và giám đốc của các tập đoàn lớn như Wal-Mart và Dell... Gia đình Zhao Xicheng được hai đời tổng thống Mỹ ca ngợi. Trong đó, tổng thống George Bush từng nói với vợ mình, bà Barbara rằng: "Về giáo dục con cái, chúng ta cần phải học hỏi gia đình họ Zhao".
Triết lý giáo dục của Zhao Xicheng và vợ là nền tảng tạo nên 6 cô con gái xuất sắc trong sự nghiệp và có hôn nhân hạnh phúc. Bí quyết nuôi dạy con của họ đúc kết trong 4 điểm.
Tình nghĩa vợ chồng là thứ quý giá nhất dành cho con gái
Ông Zhao Xicheng sinh ra trong một ngôi làng nông thôn ở Thượng Hải. Khi 18 tuổi, Zhao vào khoa Hàng hải, Đại học Giao thông Quốc gia. Tới năm 29 tuổi, Zhao trở thành thuyền một trong những thuyền trưởng viễn dương trẻ nhất thời bấy giờ. Nhìn xa trông rộng, ông một mình tới Mỹ lập nghiệp vào năm 1958. Chỉ sau sáu năm, ông không chỉ lấy bằng thạc sĩ quản lý tại Đại học St. John's mà còn xây dựng Tập đoàn Foremost từ con số không. Đến những năm 1990, Foremost là một trong những công ty lớn nhất trong ngành vận tải biển của Mỹ.
Còn vợ ông Zhu Mulan, người vừa âm thầm chống lưng cho chồng, vừa chăm lo cho gia đình. Ngoài 50 tuổi, bà còn lấy bằng thạc sĩ ngôn ngữ và văn học châu Á.
Zhao đã yêu vợ "ngay từ cái nhìn đầu tiên" vào mùa đông năm 1948. Nhưng chỉ một năm sau, nội chiến xảy ra, hai người bị chia cắt. Những ngày mắc kẹt ở Đài Loan, ông Zhao đã tìm mọi cách hỏi thăm tin tức người yêu. Một năm sau, ông phát hiện thấy trên danh sách đỗ kỳ thi tốt nghiệp có tên Zhu, thì ra cô cũng đã tới Đài Loan. Trong ngày cưới, Zhao Xicheng nói với vợ: "Tôi đối với mình chưa từng thay lòng đổi dạ, chỉ có một trái tim này, yêu mình mãi mãi". Ông đã dùng cả một đời để chứng minh cho câu nói ấy.
Ba năm sau khi sang Mỹ tìm con đường lập nghiệp, Zhao đã đón được vợ con sang. Ngày đó cả gia đình ở trong một căn phòng một giường ngủ ở New York, một người lo chăm sóc gia đình, người cho gây dựng cơ nghiệp. Những người con gái của vợ chồng Zhao Xicheng chứng kiến cha đối với mẹ bằng sự tôn trọng, yêu thương, họ cũng thấy được giá trị của bản thân mình khi là phụ nữ và tin thế giới này luôn có tình yêu.
Khi được hỏi: "Làm thế nào mà có thể nuôi dưỡng sáu cô con gái xuất sắc như thế?", Zhao Xicheng trả lời: "Điều này là minh chứng cho tình yêu mà tôi trọn đời dành cho vợ".
Nghiêm khắc mà không hà khắc, yêu nhưng không chiều
Zhao Xicheng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, gia đình họ có rất nhiều quy tắc. Ví dụ như: Cha mẹ chưa động đũa thì con cái chưa được phép ăn cơm, phải về nhà trước 23h, cha mẹ đang nói phải im lặng nghe, tự mình làm việc nhà, khách đến chơi thì các con không được ngồi bàn ăn mà phải đứng phục vụ...
Zhu Mulan dạy các con: "Từ đạm bạc thành xa xỉ thì dễ, chuyển từ xa hoa sang tiết kiệm mới khó. Các quản gia được mời đến để giúp đỡ cha mẹ chứ không phải các con. Người trẻ tuổi phải tự lo cho mình để học cách tự lập".
Những quy tắc được tuân thủ nghiêm ngặt. Các con gái lớn lên đều đạt thành tích xuất sắc, độc lập và tự kỷ luật. Cụ thể, với Zhao Xiaolan, được sinh ra ngoài nước Mỹ, khi đến đây một câu tiếng Anh cũng không thể nói. Xiaolan đã chép cẩn thận những gì thầy ghi trên bảng, tối về nhờ cha dạy. Ngày đó cha của cô phải làm tới 3 công việc để nuôi gia đình, nhưng đêm về vẫn kiên trì giảng bài cho con. Biết con Xiaolan thích một con búp bê Barbie, ông đã tích cóp tiền để tặng. Còn bà Mulan giúp con gái may quần áo, dựng nhà cho búp bê.
Cách dạy con nghiêm khắc nhưng không hà khắc, yêu thương nhưng nuông chiều là gia phong hữu ích nhất cho các con gái.
Con gái có thể làm bất cứ điều gì
Không nhiều gia đình có 6 con gái, nhiều người hay nói: "Hồi môn tốn không ít tiền đâu đấy". Nhưng vợ chồng ông cũng chẳng hề để tâm.
Con gái đầu được vợ chồng họ đặt là Zhao Xiaolan - Triệu Tiểu Lan, với hy vọng sau này con lớn lên sẽ như Hoa Mộc Lan, anh dũng, tòng quân thay cha và giống như mẹ hiền thục, bao dung.
Trong một cuộc phỏng vấn, Zhao Xiaolan và em gái Zhao Anji nói: "Thế giới này về cơ bản là công bằng. Thành tích của chúng tôi hoàn toàn nằm ở chính chúng tôi, và chỉ chúng tôi mới có thể đánh bại chính mình".
Có một hiệu ứng trong tâm lý học được gọi là hiệu ứng "trần kính", có nghĩa là phụ nữ bị cản trở thăng tiến, không phải vì họ thiếu khả năng và kinh nghiệm, mà bởi vì các công ty hoặc tổ chức dường như đã dựng lên một rào cản. Nhưng Zhao Xicheng không tin có "trần kính". Ông luôn khuyến khích các con dám ước mơ. Khi Xiaolan còn bé, ông nói với con: "Con không thể làm tổng thống vì không sinh ra tại Mỹ, nhưng con có thể làm bộ trưởng". Người xung quanh có thể cười mỉa mai, song Xiaolan tin lời cha nói.
Tốt nghiệp Harvard, cô làm trong ngân hàng. Đến năm 1983 cô tham gia cuộc xét tuyển "viên chức Nhà Trắng" và đã vượt qua 55.000 ứng viên. Ngày 29/1/2017, Zhao Xiaolan bấm số cha: "Cha, cảm ơn cha, con làm được rồi". "Không phải con làm được, mà con có được", ông nói. Ngày hôm đó Xiaolan thực sự đã trở thành Bộ trưởng thứ 18 của Bộ Giao thông Mỹ. Bà là người phụ nữ gốc Hoa đầu tiên trong lịch sử bước vào nội các Mỹ.
Gia đình nề nếp là hồi môn tốt nhất cho con gái
Khi 6 con gái trưởng thành, vợ chồng nhà họ Triệu phải đối diện với vấn đề hôn nhân của các cô con gái. Tuy nhiên, họ cũng không có quá lo lắng vì các con giỏi thì chàng rể cũng chẳng tồi.
Cụ thể khi Xiaolan và Mitch McConnell, thượng nghị sĩ Mỹ chuẩn bị đính hôn thì Xiaolan nói với bạn trai phải đến trước mặt cha mẹ mình cầu hôn như phong tục truyền thống Trung Quốc.
Khi McConnell đến ra mắt, ông Xicheng đã yêu cầu con rể tương lai đưa ra ba lý do cầu hôn con gái mình. McConnell nói: "Đầu tiên, con tin rằng mắt nhìn người của Tổng thống rất sắc bén. Ông ấy nói rằng Xiaolan là cô gái Đông phương xuất sắc nhất. Con cũng tin chắc như vậy.
Thứ hai, cha của Xiaolan đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp vận tải biển thế giới, được người người kính trọng. Trung Quốc có câu 'hổ phụ sinh hổ tử'. Người cha tài giỏi, con gái đương nhiên cũng không kém cỏi.
Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, Xiaolan là người phụ nữ bận rộn nhất mà con từng gặp, con đã chuẩn bị tinh thần chăm sóc và yêu cô ấy thật tốt".
Nhà văn Ma Boyong nói: "Truyền thống của một gia tộc cũng giống như một món đồ cổ tốt". Nó được tích tụ theo thời gian. Đồ cổ có hình dạng, truyền thống không sờ nắm được nhưng lại thẩm thấu trong gia tộc, trở thành mối ràng buộc về tinh thần, thậm chí trở thành một phần trong vận mệnh của họ. Truyền thống gia đình là của hồi môn tốt nhất cho con gái.
Bảo Nhiên (Theo Soundofhope/Zhuanlan)