Tháng 12, người dùng mạng xã hội lan truyền các video về phương pháp chữa bệnh bằng hỗn hợp hành tây sống cắt nhỏ, đun sôi hoặc ngâm trong nước. Họ cho rằng thứ "nước thần" này có thể chữa ba bệnh truyền nhiễm là cúm, Covid-19 và virus hợp bào hô hấp (RSV) đang lây lan nhanh chóng. Những đoạn clip đã thu hút hàng chục triệu lượt xem tại Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Theo các chuyên gia, hành tây sử dụng với số lượng hợp lý không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, các video như vậy thúc đẩy niềm tin mù quáng vào hình thức chữa bách bệnh tại nhà, có thể gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
"Hành tây không có hại, nhưng nếu bạn bị ốm, hãy đi khám. Tôi lo ngại sau khi xem clip, mọi người sẽ chỉ ở nhà uống nước hành tây mà không đến bệnh viện, làm lây lan Covid-19 hoặc cúm trong cộng đồng", Katrine Wallace, giáo sư trợ lý, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Illinois Chicago, cho biết.
Bên dưới các đoạn video tràn ngập các bình luận cho rằng phương pháp này "cực kỳ hiệu quả". Theo giáo sư Wallace, đây được gọi là "hiệu ứng giả dược" - hiện tượng người bệnh thấy khỏe hơn sau khi sử dụng một loại thuốc "trông giống phương pháp điều trị thực sự". Sau khi uống nước hành tây, nhiều người ngộ nhận virus được loại bỏ khỏi cơ thể một cách tự nhiên.
Xu hướng chữa bệnh bằng hành tây cho thấy Tiktok tràn ngập những người làm nội dung truyền đạt các thông tin sai lệch, từ vaccine đến phá thai. Mục tiêu của họ là tăng tương tác - điều mà các chuyên gia y tế cho rằng sẽ tác động nghiêm trọng đến quyết định khám chữa bệnh cá nhân.
"Chúng ta thường yêu thích ý tưởng về một loại thuốc tiên, phương pháp chữa bách bệnh. Nhiều người cho rằng biện pháp càng kỳ lạ, càng đau đớn thì tác dụng càng cao. Thuật toán của Tiktok, vốn nhắm đến sự tương tác, là điều kiện lý tưởng để quảng bá phương pháp đơn giản cho một vấn đề phức tạp, đặc biệt khi chúng rẻ tiền, dễ thực hiện ở những vùng không có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe", Abbie Richards, chuyên gia nghiên cứu về thông tin sai lệch, nhận định.
Người phát ngôn của Tiktok cho biết nền tảng này sẽ xóa các nội dung được coi là thông tin sai lệch về y tế nếu chúng "có khả năng gây tổn hại cho cộng đồng". Tuy nhiên, các video về nước hành tây được cho là "không vượt qua ngưỡng gây tổn hại" mà Tiktok đưa ra, do đó không bị gỡ bỏ.
Theo bà Abbie, mức độ phổ biến của các video phản ánh "lỗi hệ thống" trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Mỹ. Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy khoảng 30 triệu người, tương đương 9% dân số không có bảo hiểm y tế.
Thục Linh (Theo SCMP)