Dưới đây là những chia sẻ của đầu bếp Thanh Nga để giúp bạn chọn và chế biến lươn đúng cách.
Chọn lươn
Nên chọn loại lươn da vàng (lươn đồng) sẽ ngon hơn lươn da đen (lươn nuôi) vì thịt chắc và thơm hơn. Nên chọn con vừa phải, không nhất thiết phải chọn con to.
Chế biến lươn
- Đối với lươn to (trên 400g), có thể nấu cháo, nấu lẩu, xé phay, hoặc lóc phi lê cuộn với lá lốt nướng. Đối với lươn nhỏ (khoảng dưới 300g), có thể cắt khúc xào lăn, chiên giòn, hầm sả hoặc băm nhỏ xào sả ớt (xúc kèm bánh tráng).
- Lươn làm sạch nhớt bằng cách tuốt với tro bếp, nước cốt chanh hay nước vo gạo. Không nên dùng giấm, vì giấm sẽ làm cho lươn mất mùi vị đặc trưng riêng. Khi nào thấy không còn nhớt là được.
- Không nên dùng dao để mổ bụng lươn vì sẽ có mùi tanh. Theo kinh nghiệm dân gian, bạn nên sử dụng thanh cật tre có một cạnh sắc để làm thịt lươn. Bỏ hết nội tạng, rửa lại bằng nước muối cho sạch. Chú ý không rửa bằng nước lạnh vì lươn sẽ rất tanh.
- Khi ướp lươn với gia vị, không nên dùng nước mắm và gừng vì không hạp vị. Thay vào đó, bạn nên ướp lươn với muối, tiêu và bột nghệ, cho thêm ít rượu trắng thì sẽ thơm hơn. Loại rau kèm thích hợp với lươn là hoa chuối và môn nước, sả, ngò om (rau ngổ). Nên dùng nước mắm me hoặc nước mắm mặn chấm kèm chứ không dùng nước tương, nước mắm chua ngọt hay mắm nêm.
- Với món cháo lươn, khi hấp chín, bạn hãy lóc thịt lươn bằng thanh cật tre hoặc bằng thìa. Sau khi đã lóc hết thịt, hãy giã nát hoặc bằm nhỏ xương lươn, cho vào một chiếc túi vải, đem ninh để lấy nước dùng nấu cháo, nồi chao của bạn sẽ có vị ngọt ngon hơn.
- Với món lươn xào, sau khi ướp xong nên để lươn trong khoảng 15 phút để món ăn đậm đà gia vị. Khi xào lươn, nên để dầu thật nóng, xào cho thịt lươn săn lại là được, không nên xào lâu quá làm thịt lươn khô lại, không ngon.
Khánh Hòa