Ngày 25/7 là cột mốc không thể quên với mẹ con Vy khi lần đầu bé Ailani (3 tuổi) chỉnh tề trong bộ đồng phục đến trường, chính thức trở thành học sinh.
Những ngày đầu đến trường, thay vì dụ mua cho Ailani đồ chơi yêu thích, hứa sẽ đón bé sớm, dọa nạt..., Vy chọn cách kể chuyện cho bé nghe về thầy cô, bạn bè; đưa con tham quan trường mới. Cô còn tìm hiểu thời gian biểu ở trường để giữ nếp sinh hoạt giống ở nhà và cho con mang theo vật dụng yêu thích. Dù bé Ailani lần đầu đi nhà trẻ nhưng rất hào hứng, chạy ngay vào lớp chơi cùng các bạn, không quấy khóc.
Nữ ca sĩ trải lòng, hai tuần đầu tiên Ailani đi học, cô chỉ muốn ở ngay cổng trường đứng ngóng, chờ lúc con gái tan trường để ôm bé thật chặt. Không đơn giản gửi gắm con cho nhà trường dạy dỗ, chăm sóc mà là cảm giác dằn xé khi cô chấp nhận buông vòng tay che chở, bảo vệ con.
Cô rơm rớm nước mắt, thấp thỏm, đứng từ xa nhìn bé ôm cặp vào lớp cùng với những người xa lạ. Lòng cô canh cánh nỗi lo sợ con có cảm giác bị bỏ rơi, không quen trường lớp, quấy khóc... Thế nhưng trái với lo lắng của mẹ, Ailani rất ngoan, thích thú khi được đến trường.
Trước ngày Ailani đi học khoảng một tuần, ngày nào cô cũng dành thời gian trò chuyện, cho bé xem tranh ảnh dễ thương để con đỡ bỡ ngỡ. Mẹ còn kể bé nghe kỷ niệm đầu tiên khi mẹ vào mẫu giáo, về người bạn mới quen, cô giáo như mẹ hiền... Trẻ con như tờ giấy trắng, khéo chọn câu chuyện vui vẻ, ý nghĩa sẽ giúp con có cảm nhận tích cực về nơi sắp đến.
Theo nữ ca sĩ, khơi gợi cảm giác háo hức đến trường của trẻ rất quan trọng. Hầu như trẻ con đều ham thích điều mới mẻ và bé Ailani cũng vậy. Mẹ Vy cho con gái xem đồng phục, cặp sách, bàn học, bút màu mới... "Hai mẹ con trò chuyện và cùng con chuẩn bị những vật dụng cần thiết khi đến trường. Bé tỏ ra tò mò và hỏi mẹ khá nhiều điều liên quan đến chuyện đi học như ‘Trường học là gì hả mẹ?’, ‘Đi học có vui không mẹ?’... Vy nghĩ vậy là mẹ đã thành công một phần rồi".
Quấy khóc, la hét, mè nheo, khóc nhè, miễn cưỡng đến lớp... là những biểu hiện bình thường của bé khi lần đầu đi nhà trẻ. Ở một nơi xa lạ, không có cha mẹ mà chỉ toàn những người mới gặp ngay cả người lớn cũng cần thời gian tập quen dần để hòa nhập.
Đưa con tham quan lớp học là một trong những cách hiệu quả để con bắt đầu làm quen với môi trường, thầy cô, bạn bè. Hình ảnh về trường lớp qua câu chuyện của mẹ kể, tranh ảnh con được xem trước đó, nay con được tận mắt chứng kiến. Vừa dẫn con tham quan, mẹ Vy chỉ cho Ailani đồ chơi, hoạt động tại trường để tạo cho bé cảm giác háo hức. Cô cho con gái chọn đồ chơi yêu thích ở trường như gấu, búp bê... và bật mí bé sẽ được chơi cùng với chúng khi đến lớp.
Theo cô, trẻ con chưa sẵn sàng đi mẫu giáo do chưa muốn tách khỏi cha mẹ, cảm thấy bỡ ngỡ với mọi thứ mới mẻ và cô giáo, bạn cùng lớp không
phải là người thân quen. Một số bé khó thích nghi còn do ít tiếp xúc với người lạ nên tính cách nhút nhát. Tạo cho con cảm giác an toàn khi gặp
gỡ cô giáo đầu tiên trong đời rất cần thiết. Con nên được biết rằng cô giáo cũng yêu thương con và dịu dàng như mẹ.
Hai mẹ con Ailani cùng đến chào cô giáo, cho bé tự giới thiệu về bản thân. Bé đã bắt đầu làm quen cô giáo bằng cách đó. "Từ nhỏ, Ailani được tiếp xúc với nhiều người, rất hiếu động và không sợ người lạ. May mắn là bé thích nghi rất nhanh nên Vy đỡ cực khoản này. Đến giờ sau 2 tuần đi nhà trẻ, con đã rất quý cô", nữ ca sĩ chia sẻ.
Các nhà giáo dục Montessori khuyến khích cha mẹ lập thời gian biểu gồm giấc ngủ ngắn, giờ ăn, giờ chơi giống ở trường mầm non mà con theo học. Khả năng thích nghi của trẻ sẽ nhanh hơn nếu được tập luyện nhiều lần ở nhà, sớm quen với môi trường mẫu giáo. Một vài tuần trước khi bé đến trường là thời gian phù hợp để rèn luyện cho trẻ thói quen này.
Từ nhỏ đến giờ, cô luôn giữ thói quen cho Ailani dậy đúng giờ. Vào 7h30 con thức dậy, ăn uống và vui chơi đến 11h rồi ngủ trưa. Đến 14h chiều, mẹ gọi con dậy và 21h đi ngủ buối tối. Áp dụng cách này, cô giúp con có thể dậy sớm, không ngủ nướng. Bé không xa lạ với thời gian biểu ở trường, con khỏe mà cô giáo cũng không mệt.
Những ngày đầu đưa con đến trường, cha mẹ nào cũng buồn, lo lắng đủ chuyện như sợ con quấy khóc, té ngã, có cảm giác bị bỏ rơi, không chịu ăn... Phương Vy cũng không tránh khỏi tâm lý đó. "Điều Vy lo lắng nhất là Ailani chưa quen với môi trường mới, con sẽ ăn ít hoặc thậm chí bỏ ăn. Lúc đầu, Vy cũng bối rối trong chuyện ăn uống vì không biết món ăn ở trường có hợp khẩu vị của bé không", cô nói.
Trước khi bé đi học, cô cho Ailani ăn sáng, uống dặm thêm một hộp sữa. Bé rất thích sữa NAN Optipro 4, cô cho bé uống từ 2 tuổi, con tăng cân
đều, sức đề kháng tốt và ít khi ốm vặt. Cô không quên bỏ vào cặp cho con hộp sữa pha sẵn tiện lợi cùng bánh, hộp trái cây hoặc rau củ luộc bé yêu
thích. Khi bé ăn uống đầy đủ sẽ tràn đầy năng lượng, cảm thấy vui vẻ hơn. Mang theo những vật dụng, đồ dùng bé thích (như búp bê, thú nhồi bông, gối ôm...) còn tạo cho bé cảm giác thân thuộc như đang ở nhà vì có "người bạn" bên cạnh.
Khi có ý định cho bé đi mẫu giáo, nữ ca sĩ dành thời gian để tập cho bé tự uống sữa, xúc thức ăn, rửa tay, đánh răng, đi vệ sinh... Một phần vì biết rằng nhà trẻ rất đông, bé sẽ không được chăm chút cẩn thận như mẹ ở nhà. Một phần cô muốn con tự lập, trưởng thành hơn khi không có mẹ bên cạnh, cô giáo cũng đỡ vất vả khi chăm bé. Bé không chỉ có thể tự chăm sóc bản thân mà vượt qua sự kỳ vọng của mẹ, trong tuần đầu tiên đi học, con đã giành giải nhất cuộc thi khéo tay ở trường.
Theo một chuyên gia giáo dục, giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường sẽ không thể tránh những khó khăn đến với trẻ. Xây dựng cho bé kỹ năng để vượt qua trở ngại vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể dàn xếp, bảo vệ con nhưng làm vậy là đang đánh mất cơ hội cho trẻ tự xử lý vấn đề. Đường đời dài, cha mẹ không thể như máy xén cỏ, dọn mọi chướng ngại, chỉ có cách trao cho con kỹ năng tự giải quyết.
Dù trong lòng nhiều cảm xúc lẫn lộn nhưng Phương Vy cố gắng nở nụ cười thật tươi và giữ thái độ tích cực khi đưa con vào cửa lớp. Điều này giúp con nghĩ rằng đi học mẫu giáo là việc vui và đáng mong chờ.
Khoảnh khắc chia tay luôn là phần khó khăn nhất. Tuy nhiên, phụ huynh cần nhớ kỹ nguyên tắc đầu tiên là không bị xiêu lòng bởi tiếng khóc và đưa con ra khỏi lớp. Điều đó sẽ khiến việc đưa trẻ quay lại lớp vào lần sau vất vả hơn nhiều. Hãy tận dụng sự hỗ trợ của giáo viên và để trẻ tập làm quen với môi trường mới như các bạn.
Vy cho bé biết trước rằng trường học là nơi bé sẽ ở đó cả ngày mà không có cha mẹ, người thân, nhất là không nên lừa trẻ ở lại chơi một chút rồi đến đón con. Theo cô, đừng để con quá lâu ở nơi xa lạ và hứa sẽ đón con sớm nhưng lại kéo dài đến suốt cả ngày. Bé dễ có cảm giác bị bỏ rơi, mong ngóng mẹ đến đón về nhà nhưng lại phải chờ đợi kéo dài. Như vậy, trẻ dễ hờn dỗi khi cha mẹ đến và ngày hôm sau có thể viện cớ để trốn đi mẫu giáo.
Ngày đầu đến trường, nếu bé không hợp tác, mẹ chỉ nên để bé làm quen trong thời gian ngắn. Trẻ sẽ ở trường khoảng vài tiếng đồng hồ hoặc nửa buổi sáng để thích nghi dần. Trường hợp bé phản kháng, không chịu đi học, cha mẹ nói chuyện nhẹ nhàng, đừng la mắng hay doạ nạt làm con sợ.
Sai lầm của phụ huynh có thể khiến con ám ảnh, ghét đến trường, càng khiến cho việc đi học trở thành cuộc chiến không hồi kết. Mẹo của nữ ca sĩ là tỉ tê tâm sự và thông cảm với bé Ailani: "Mẹ biết là con không muốn đi học, khi còn nhỏ cũng có lúc mẹ không muốn đi học đâu. Nhưng mọi người đều phải đi học, giống như mẹ nhất định phải đi làm vậy. Đây là trách nhiệm của mỗi người, con nhé".
Cô hào hứng cho biết, ngày đầu đến lớp dù Ailani phải dậy sớm nhưng không khóc nhè. Khi biết sắp đi học, con hợp tác thay quần áo, chuẩn bị cặp sách, lao vội ra xe và đòi mẹ chở tới trường ngay. "Ban đầu, Vy tưởng đó chỉ là cảm xúc nhất thời của đứa trẻ 3 tuổi, hiếu kỳ khi được thử cảm giác mới mẻ. Nhưng khi vào đến cửa lớp, bé chào mẹ và chạy ngay vào. Đến ngày thứ 2, thứ 3 rồi hai tuần trôi qua, cảm giác háo hức trong con vẫn còn. Mẹ vui mừng khôn tả xiết".
Khi đón con, cô không quên hỏi bé "Ở trường con có vui không?", "Con thích chơi với bạn nào nhất?", "Cô giáo hôm nay dạy con làm gì?"... Chỉ
cần khơi gợi, bé sẽ huyên thuyên, kể đủ mọi chuyện về bạn nào chưa ngoan, bạn nào hay chơi cùng con, các hoạt động vui chơi trong lớp... Khi mẹ
hỏi bé có ngoan không, bé còn kể chuyện được cô giáo khen.
Mẹ Vy không quên động viên, khen ngợi bé khi làm các việc tốt và khích lệ bé cố gắng hơn khi con kể chưa làm được điều gì đó ở trường hoặc thua kém bạn bè. Nhờ áp dụng những cách phù hợp với tâm lý của trẻ, con gái Phương Vy đã khiến cha mẹ bất ngờ khi ngày đầu đến trường không một tiếng khóc và mỗi ngày trôi qua đều tràn ngập niềm vui.
Nội dung: Kim Uyên | Thiết kế: Lợi Nguyễn