Xuất hiện từ ngàn đời qua, nước mắm là gia vị không thể thiếu, được người Việt ưa dùng từ bữa cơm giản dị hàng ngày đến những buổi yến tiệc sang trọng. Thứ nước chấm tinh túy này mang đến hương vị đậm đà và ngon miệng cho từng bữa ăn. Món xào, kho hay nấu canh muốn hấp dẫn hơn cũng chỉ cần nêm thêm chút nước mắm là đủ.
Nước mắm ngon được chế biến bằng phương pháp ủ chượp tự nhiên, trữ cá biển tươi và muối sạch theo tỷ lệ 3:1 trong chum vại hay thùng gỗ suốt gần 12 tháng, để hòa tan hoàn toàn cốt nhục của cá thành nước. Nhờ vậy, nguồn tinh cốt nước mắm nguyên chất có độ đạm tự nhiên cao, từ 30 đến 40 độ.
Ngoài phương pháp truyền thống, bí quyết lâu đời là yếu tố không thể thiếu để chế biến nước mắm ngon. Người làm nước mắm phải có kinh nghiệm lâu năm, từ khâu lựa cá nguyên liệu, muối biển cho đến chọn loại thùng gỗ ủ chượp phù hợp. Nguồn cá phải tươi ngon, chất lượng, lựa đúng thời điểm tăng trưởng để cho lượng đạm cao nhất. Muối cũng được chọn lọc để không lẫn tạp chất. Khi ủ cùng với cá, muối sạch được phân hủy và khiến nước mắm thêm trong. Việc căn đúng thời gian chín muồi để kéo rút nước mắm cốt cũng là một bí quyết mà không phải người làm nghề nào cũng biết.
Mỗi năm, người Việt sử dụng gần 200 triệu lít nước mắm. Nhu cầu tiêu thụ cao khiến chất lượng nước mắm bị công nghiệp hóa, các loại nước mắm ủ chượp theo phương pháp xưa trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, bà nội trợ có thể nhận biết nước mắm ngon bằng màu sắc, mùi vị và độ đạm tự nhiên.
Nước mắm được ủ chượp truyền thống có màu vàng cánh gián đẹp mắt, mùi thơm hấp dẫn, nếm vào thấy vị mặn nơi đầu lưỡi và vị ngọt thanh nơi cổ họng. Soi ra ngoài ánh nắng và lắc đều, nước mắm ngon có màu trong, không lắng cặn và tạp chất. Trên bao bì sản phẩm, có thể xem thành phần độ đạm công bố theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003), độ đạm trên 15 và 10 tương ứng với loại hạng 1 và 2; trên 25 độ là thượng hạng; còn nước mắm ngon đặc biệt có độ đạm trên 30.
An San