Theo BS.CKII. Trần Nguyễn An Huy - Trưởng khoa Nội Tim mạch và Tim mạch can thiệp, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng tim. Khi các mảng xơ vữa tích tụ ngày càng lớn khiến lòng mạch hẹp lại và thành mạch yếu đi. Bệnh tiến triển sẽ làm giảm lượng máu và oxy đến tim, khi mảng xơ vữa nứt vỡ sẽ hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu nuôi tim và các cơ quan khác trong cơ thể, gây ra tổn thương cơ tim vĩnh viễn, thậm chí có thể gây tử vong.
Bệnh động mạch vành thường tiến triển âm thầm, các triệu chứng dễ bị bỏ qua. Khi tình trạng thiếu máu cơ tim xuất hiện, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở. Tuy bệnh chủ yếu xảy ra ở nhóm tuổi trên 40, nhưng những người trẻ tuổi hơn vẫn có thể mắc bệnh.
Bác sĩ Trần Nguyễn An Huy, nguyên nhân khiến bệnh mạch vành ngày càng trở nên trẻ hóa chủ yếu là do yếu tố di truyền, tình trạng sức khỏe thiếu kiểm soát như thừa cân, béo phì, thói quen lối sống không khoa học bao gồm hút thuốc lá, lười vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh...
Vì bệnh động mạch vành có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác ở tim, là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, bác sĩ An Huy khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ cần tầm soát sớm, bao gồm: thể trạng béo phì, thừa cân ít vận động; người có bệnh lý nền mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính, tăng mỡ máu; thói quen hút nhiều thuốc lá; tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh lý tim mạch. Đặc biệt người cao tuổi nên thực hiện sàng lọc bệnh mạch vành dự phòng sớm do yếu tố tuổi tác. Việc tầm soát sớm nguy cơ, tình trạng bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chiến lược điều trị đồng thời chủ động phòng ngừa với bệnh lý này.
Các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra những chẩn đoán dựa trên tình hình sức khỏe, các triệu chứng xuất hiện ở người bệnh và chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng liên quan đến hệ tuần hoàn. Phương pháp tầm soát bệnh bao gồm những chẩn đoán sau:
Siêu âm tim, thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể kiểm tra được hình dáng, kích thước, độ dày và chuyển động thành tim, sức co bóp và vận động của tim, từ đó có thể đánh giá tình trạng hoạt động của tim. Ngoài ra, siêu âm tim giúp xác định van tim bị hở, hẹp hoặc có khối u bất thường. Những hình ảnh này có thể giúp phát hiện kịp thời những bệnh lý tim mạch ở giai đoạn sớm, chưa có những biểu hiện rõ ràng trên lâm sàng.
Siêu âm tim gắng sức thường được chỉ định với người bệnh có triệu chứng nghi ngờ bệnh mạch vành (đau ngực, khó thở, giảm khả năng gắng sức, ngất...) hoặc kết quả điện tâm đồ gây nghi ngờ hoặc dễ nhầm lẫn. Siêu âm tim gắng sức được thực hiện tại phòng siêu âm và kéo dài từ 45 - 60 phút.
Xét nghiệm máu. Cholesterol và triglycerid là 2 chất ảnh hưởng trực tiếp đến động mạch vành. Chỉ số CRP cho thấy tình trạng viêm trên thành động mạch. Khi những chỉ số này vượt quá mức quy định, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch và các bệnh lý khác liên quan đến tim.
Điện tâm đồ theo dõi hoạt động, ghi lại các tín hiệu điện khi tim co bóp, giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề liên quan đến nhồi máu cơ tim, tình trạng thiếu máu cục bộ, các vấn đề rối loạn, bất thường nhịp tim.
Điện tâm đồ gắng sức được sử dụng khi chẩn đoán nghi ngờ dựa trên tuổi, giới tính và dấu hiệu lâm sàng. Các bác sĩ sử dụng nghiệm pháp này để phân tầng nguy cơ, đánh giá phân độ chức năng và đưa ra tiên lượng ở những người bệnh nghi ngờ hoặc đã có bệnh động mạch vành và có sự thay đổi đáng kể về tình trạng lâm sàng. Người bệnh được gắn các thiết bị theo dõi tim mạch, đi bộ chậm tăng dần trên máy chạy bộ giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá toàn diện về nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, điện tim, mức độ mệt mỏi.
Chụp MSCT động mạch vành (có cản quang). Hiện nay, MSCT mạch vành là phương pháp chẩn đoán hiệu quả, không chỉ đối với bệnh mạch vành mà nó còn phù hợp với nhiều bệnh lý khác như bệnh màng ngoài tim, tim bẩm sinh,... Phương pháp này sử dụng tia X và thuốc phản quang để tạo ra hình ảnh 3D rõ nét, giúp bác sĩ có thể phát hiện được những điểm bất thường của tim để đưa ra kết luận chính xác. Với thời gian chụp ngắn (chỉ mất từ vài giây đến vài chục giây), độ an toàn cao, ít biến chứng, kết quả hiển thị ngay trên màn hình kết nối, cho phép bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý mạch vành với độ chính xác hơn 90%, người bệnh sau chụp không cần ở lại bệnh viện theo dõi.
Chụp mạch máu xóa nền (DSA). Kỹ thuật này kết hợp giữa chụp X-quang kết hợp hệ thống xử lý hình ảnh xóa nền trên 2 ảnh thu nhận trước và sau khi tiêm chất cản quang vào người bệnh. Kỹ thuật chụp DSA giúp phát hiện chính xác những tổn thương của hệ mạch vành (vôi hóa, hẹp mạch vành) và cho phép can thiệp điều trị sửa chữa (đặt stent) động mạch vành ngay cùng thời điểm.
Với đội ngũ bác sĩ tim mạch giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị chẩn đoán và điều trị đạt tiêu chuẩn quốc tế, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là một trong những địa ch để bệnh nhân thực hiện tầm soát, sàng lọc các bệnh lý tim mạch. Các bác sĩ sẽ thực hiện quá trình tư vấn, thăm khám và xây dựng kế hoạch theo dõi, điều trị phù hợp với tình hình sức khỏe của từng cá nhân tương ứng với các yếu tố nguy cơ của người bệnh.
Đặc biệt, bệnh viện thiết kế gói khám tầm soát tim mạch với các phương pháp chẩn đoán hiện đại như: siêu âm tim Doppler, Điện tâm đồ, Holter ECG... giúp phát hiện bệnh động mạch vành từ giai đoạn sớm cũng như các dấu hiệu bất thường và bệnh lý tim mạch khác.
Yên Chi
Hoàn Mỹ Sài Gòn là đơn vị y tế với gần 25 năm xây dựng và phát triển, là thành viên thứ 27 Trạm cấp cứu vệ tinh 115. 7 năm liên tục dẫn đầu khối tư nhân trong các kỳ kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí của Bộ Y tế (2015,2016, 2017, 2018, 2019, 2021, 2022)
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
60-60A Phan Xích Long, phường 1, quận Phú Nhuận, TP HCM
(028) 3990 2468