![]() |
Bệnh động kinh ở trẻ do nhiều nguyên nhân gây ra: đẻ ngạt, đẻ chỉ huy, chấn thương sản khoa, sốt cao co giật nhiều lần, viêm màng não mủ, chảy máu trong sọ, chấn thương sọ não, bệnh não bẩm sinh... Khoảng 50% trường hợp không tìm thấy nguyên nhân. Trẻ bị động kinh cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi ngoại trú lâu dài (khoảng 2-3 năm). Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân có thể bị thiểu năng trí tuệ, rối loạn hành vi và tác phong. Trong chăm sóc trẻ động kinh hằng ngày, gia đình cần lưu ý: - Trẻ có thể đi học khi không có cơn co giật. Nên báo cho thầy cô biết về bệnh của trẻ để thầy cô biết cách xử trí khi có cơn. - Không nên kể về bệnh tật của trẻ cho người khác nghe trước mặt trẻ vì điều đó sẽ tạo ấn tượng có bệnh, mặc cảm tự ti, có thể dẫn đến những hành động bất thường giả bệnh. - Về dinh dưỡng: Cho ăn đủ chất, đặc biệt với trẻ dưới 1 tuổi. Từ tháng thứ 4 trở đi, ngoài sữa mẹ, phải cho ăn bổ sung với đủ chất bột, đạm, béo... - Cho uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là các thuốc chống co giật (2-3 lần/ngày vào sáng, trưa, tối). Phải cho uống đều đặn không nghỉ buổi nào để duy trì thường xuyên nồng độ thuốc hợp lý trong cơ thể. Cần bắt đầu từ liều thấp, sau tăng dần. Khi mới uống thuốc, có thể trẻ vẫn co giật. Nếu cơn co giật không giảm thì nên gặp bác sĩ để tăng liều hoặc cho nhập viện cắt cơn. - Không nên tự động cắt thuốc khi thấy trẻ thôi co giật; vì các cơn co giật có thể xuất hiên lại sau một thời gian. Cũng không nên chủ động giảm liều thuốc. Việc giảm liều chỉ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ khi trẻ đã điều trị được 1 năm kể từ khi có cơn cuối cùng, điện não đồ đã ổn định. Giảm liều từ từ 3 tháng 1 lần. - Nên chú ý các tác dụng phụ của thuốc như ngủ nhiều, tiêu chảy, nổi mẩn trên da... và nói cho bác sĩ biết. - Nếu trẻ ốm thì ngoài các thuốc trị bệnh đó, vẫn phải cho uống thuốc chống co giật. Cần nói với bác sĩ về thuốc đang uống để tránh tương tác. Cách xử trí khi có cơn co giật - Đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng bên phải để phòng trẻ bị nôn, chất nôn chảy ngược vào gây sặc. Tư thế này cũng giúp người nhà dễ dàng móc chất nôn, nước bọt ra khỏi miệng bệnh nhân. Lưu ý không giữ chặt khi trẻ đang co giật. - Cởi bỏ khăn quấn cổ, cúc áo cổ để trẻ dễ thở. - Nhanh chóng chèn khăn mặt hoặc vật nhựa mềm giữa 2 hàm răng để trẻ không cắn vào lưỡi. - Cặp nhiệt độ, nếu trẻ sốt thì cho uống thuốc hạ sốt, chườm mát vào trán, bẹn. - Quan sát trẻ co giật như thế nào, bắt đầu từ lúc nào, rung giật cơ nào, co cứng hay ưỡn cứng... để mô tả cho bác sĩ điều trị. Gia đình mô tả càng kỹ, bác sĩ càng dễ phân loại bệnh và chọn thuốc thích hợp. Bác Sĩ Gia Đình |