Kiên nhẫn với con
Bất kỳ hoạt động học tập nào, giáo viên luôn cần sự đồng hành của gia đình trong việc kèm cặp và hỗ trợ trẻ. Đối với học sinh lớp 1, sự kiên nhẫn của bố mẹ là một trong những yêu cầu đầu tiên.
Tôi rất chia sẻ với việc phụ huynh đi làm mệt mỏi cả ngày, tối phải ngồi cùng, kèm con học. Trẻ mới vào lớp 1 thường viết rất chậm, nắn nót và tỉ mỉ từng nét. Khi thúc giục hoặc chỉ cho trẻ một số cách làm nhanh hơn, các con có thể phản ứng và nói "phải đúng vị trí này, cô con dạy thế này". Trong trường hợp này, phụ huynh cần bình tĩnh và nhẫn nại.
Chúng tôi hay ví giai đoạn đầu lớp 1 là lốc bão, nhưng sẽ không kéo dài. Trẻ tiếp thu chậm một chút thì mất khoảng 6 tháng, trẻ nhanh chỉ 2-3 tháng. Do đó, bố mẹ trước hết cần kiên nhẫn, giảm nhịp độ của mình để bước cùng tốc độ chậm rãi của con. Chỉ khi đi cùng nhịp, bố mẹ mới có thể hỗ trợ con hiệu quả.
Ngoài ra, cùng với sự kiên nhẫn, bố mẹ cần để lại bực dọc sau cánh cửa nhà mỗi khi đi làm về, không nên trút giận hay la mắng trẻ như một cách để giải tỏa. Bản thân trẻ cũng đã có một ngày căng thẳng, phải ngồi học, tiếp thu kiến thức, nên bố mẹ cần giúp trẻ thoải mái tâm lý khi về nhà.
Tích cực tương tác với giáo viên
Thông qua mạng xã hội và các buổi họp, bố mẹ cần giữ liên lạc và tích cực tương tác với giáo viên. Hãy đề nghị thầy cô hướng dẫn một số kỹ năng sư phạm cơ bản như thứ tự các nét được viết, cách đọc trơn, các thuật ngữ, khái niệm dùng trong lớp học.
Như đã đề cập ở trên, trẻ lớp 1 sẽ làm theo y hệt những bước giáo viên hướng dẫn, từ đặt bút tại đâu, lùi vào mấy ô. Để kèm trẻ học, bố mẹ ít nhiều cần nắm được những yêu cầu này. Ngoài ra, việc biết kỹ năng sư phạm cơ bản cũng sẽ giúp giờ học tại nhà của bố mẹ và trẻ bớt căng thẳng, đạt hiệu quả cao hơn.
Trong lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khả năng trẻ phải học online, quá trình tự học dưới sự kèm cặp của bố mẹ lại càng quan trọng. Việc tích cực tương tác với giáo viên để học hỏi kỹ năng sư phạm và trao đổi tình hình sẽ tác động tốt đến quá trình phát triển và học tập của trẻ.
Học cách lắng nghe và đặt câu hỏi
Giai đoạn chuyển cấp sẽ tạo ra nhiều sự mới mẻ trong nhận thức và hành động của trẻ nên bố mẹ cần kịp thời nắm bắt, chia sẻ. Sau mỗi buổi học, thay vì hỏi "Con được mấy điểm?", bố mẹ nên hỏi "Hôm nay đi lớp có gì vui không con?". Nếu luôn trách mắng về điểm số, trẻ sẽ cảm thấy sợ và không dám tâm sự.
Trường hợp xảy ra xích mích với bạn bè, một số câu hỏi mang tính gợi mở phụ huynh có thể áp dụng như "Hai bạn nói chuyện với nhau thế nào, sao lại cãi nhau vậy?", "Nếu như bạn đánh con và con đánh bạn thì con thấy thế nào?", "Con có muốn bạn bị đau như thế không?"...
Trẻ 6 tuổi thường chưa kể trôi chảy câu chuyện, đặc biệt khi khóc. Nếu phụ huynh chưa thực sự hiểu vấn đề, hãy đặt câu hỏi ngắn, mang tính gợi mở chứ không nên vội vàng mắng và nạt trẻ "Nín ngay", "Sao đi học lại đánh nhau?"...
Để đồng hành với con trong năm học đầu đời, bố mẹ nên tiết chế, dành sự kiên nhẫn, bao dung với con nhiều hơn.
Thanh Hằng ghi