Tại tọa đàm The SACE Journey - Mở khóa Gen Z số 6, chủ đề "Học bổng du học và những chuyện chưa kể", phát sóng trên VnExpress, ngày 26/4, các diễn giả đã thảo luận về nội dung học bổng gắn liền với trách nhiệm xã hội. Đơn cử, đó là quan điểm về việc du học xong nên ở lại hay quay trở về nước, tình trạng chảy máu chất xám, hay phương thức dung hòa lợi ích phát triển cá nhân với lợi ích xã hội sau khi hoàn thành chương trình học bổng về nước...
Là CEO của trung tâm tư vấn, định hướng và ươm mầm giấc mơ du học cho học sinh Việt Nam từ phổ thông lên đại học, Thạc sĩ Lê Đình Hiếu cho rằng việc phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng có mối liên hệ chặt chẽ.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, ngày càng nhiều công ty, tập đoàn trên thế giới và Việt Nam bên cạnh phát triển doanh nghiệp còn tham gia sứ mệnh xã hội với các hoạt động thiện nguyện... Tại các trường học, từ bậc cử nhân, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, hội đồng tuyển sinh cũng ưu tiên những ứng viên có đóng góp lớn cho cộng đồng.
Trước thực tế đó, làm thế nào để dung hòa lợi ích phát triển cá nhân với lợi ích xã hội được đặt ra tại toạ đàm. Thạc sĩ Đình Hiếu đưa ra công thức, trong một tuần có 7 ngày, hãy dành 5 - 5,5 ngày để cống hiến cho công ty, tối về nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, hoặc học khóa học ngắn hạn nào đó. Một ngày dành riêng cho bản thân, gia đình, bạn bè... và dành ít nhất nửa ngày đến một ngày để phục vụ cộng đồng.
Đơn cử, những sinh viên mới ra trường có thể làm gia sư miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn, người quản lý có thể làm mentor (hướng dẫn) cho các bạn trẻ mới ra trường, hoặc nếu bạn là CEO, hãy giúp đỡ những người mới, ít kinh nghiệm hơn... Nhìn chung, mỗi người sẽ có một công thức riêng để dung hòa lợi ích bản thân và trách nhiệm xã hội.
Nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng ban Truyền hình - Đa nền tảng báo Pháp luật TP HCM nhớ lại những ngày học phổ thông, anh rất mê tham gia các hoạt động của đoàn hội đội, hoạt động cộng đồng.
"Tôi tham gia các hoạt động từ lớp ba, bốn và gắn bó tới đại học. Tới giờ đi làm ở toà soạn, tôi vẫn thích tham gia các hoạt động mang tính tập thể, làm việc nhóm. Thật ra ngày học phổ thông tôi cũng chưa ý thức được việc tham gia hoạt động tập thể là để giúp người khác hay giúp cộng đồng, đơn giản vì tính cách tôi thích tiếp xúc, làm việc nhóm, giao lưu bạn bè, gặp những con người mới, anh chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Thiện cũng cho biết đôi khi mê hoạt động xã hội quá cũng làm gia đình và thầy cô lo lắng. Có người còn ngăn cản vì sợ anh bỏ bê việc học. Vì vậy "có thời gian tôi thu mình lại, sợ làm chuyện "bao đồng". Nhưng sau đó tôi phát hiện nếu biết cân bằng thì mọi thứ sẽ ổn, vì vậy tôi tập cách cân bằng bản thân bằng việc đặt ra những mục tiêu cụ thể, sắp xếp thời gian hợp lý hơn", anh Thiện nói.
Sự cân bằng, theo anh Thiện, đến từ việc sắp xếp thời gian để đảm bảo: Sức khoẻ, năng lực chuyên môn, kỹ năng sinh tồn và hoà nhập, và rèn luyện sự cởi mở, nhân ái. Ví dụ, nếu không cân bằng để sức khoẻ yếu thì đi đường dài sẽ khó khăn; nếu chuyên môn không được trau dồi thì làm việc lớn nhỏ gì cũng không hiệu quả; kỹ năng sống không được trau dồi, thiếu các mối quan hệ xã hội thì sẽ thiếu "lực đẩy" từ bên ngoài, từ sự phối hợp của bạn bè, đồng nghiệp...
"Mọi mục tiêu mình đặt ra đều có tính quan trọng và cấp bách riêng. Việc gì vừa quan trọng, vừa cấp bách thì ưu tiên làm ngay. Chuyện gì cấp bách mà không quan trọng thì có thể cân nhắc bỏ bớt nếu quá tải. Chuyện gì quan trọng nhưng chưa cấp bách thì xếp thời gian để thực hiện. Việc gì không quan trọng cũng không cấp bách thì đừng để nặng đầu", anh Thiện nói thêm.
Nhà báo cũng lưu ý, mỗi giai đoạn trong cuộc sống, sẽ có những ưu tiên khác nhau. Đơn cử, học cấp 10 thì ưu tiên hoà nhập môi trường mới, gặp bạn mới; lớp 11 thì bắt đầu tính toán chuyện nghề nghiệp, học gì cho tương lai. Lớp 12 thì đã chọn được trường, chuyên tâm nhiều hơn vào mục tiêu đại học, cao đẳng... Có lúc thì ưu tiên hoạt động xã hội nhiều hơn; có khi ưu tiên học nhiều hơn. Mỗi người sẽ có một thời khoá biểu riêng dựa vào quỹ thời gian, lực học, năng khiếu và sức khoẻ của mình.
Ngoài ra, việc chú tâm vào điểm số (GPA) cũng tốt, vì thể hiện được năng lực phổ quát. Đó cũng là một tiêu chí đầu vào của các trường đại học, cao đẳng tốt dù ứng viên học ở Việt Nam hay du học. Nhưng các tiêu chí khác cũng rất quan trọng, như việc có nhiều mối quan hệ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết khủng hoảng hoặc mâu thuẫn, các tài lẻ hoặc năng khiếu riêng (thể dục thể thao, hát hò, mỹ thuật...). "Bản thân mỗi em học sinh ngồi ghế phổ thông không phải lúc nào cũng đủ sức để có GPA xuất sắc, vì vậy cuộc sống tương lai rất cần các bạn có một nền tảng về kỹ năng thật tốt, để càng trưởng thành thì càng có thể phát hiện và tập trung sức lực vào thế mạnh của mình để phát triển sự nghiệp và cuộc sống", anh Thiện cho biết.
Chia sẻ thêm về nội dung học bổng gắn liền với trách nhiệm xã hội, Thạc sĩ Trần Thanh Vân - Nhà sáng lập Saigon Improv House cho biết, đây là một hành trình tưởng dễ mà không dễ.
Chị nhớ lại thời điểm du học xong trở về nước, mặc dù dù rất háo hức, bầu nhiệt huyết lớn và nghĩ có thể xắn tay áo lên ngay để chia sẻ những điều mới mẻ nhất cho bạn bè, nhưng thực tế, chị phải mất tới 6 tháng để bắt nhịp lại với cuộc sống bình thường và tìm được điều mình thực sự muốn làm, bởi sau thời gian dài du học trở về nước, dòng chảy cuộc sống đã khác nhiều.
Nữ thạc sĩ cũng chia sẻ thêm về việc dành nhiều thời gian cho các hoạt động cộng đồng những năm tháng cuối cấp 3. Thời điểm đó, chị bị mọi người mắng nhiều vì lo sẽ trượt đại học. Tuy nhiên, sau này khi xin học bổng du học, chị mới thấy chính những hoạt động ngoại khóa đó đã giúp ích cho quá trình nộp hồ sơ du học rất nhiều.
"Quá trình làm hồ sơ xin học bổng, tôi nhận ra những năm tháng miệt mài với hoạt động đoàn thể đã cho tôi sự tự tin, vững chãi đối mặt với thử thách trong cuộc sống và thậm chí nhờ thế còn xin được học bổng phát triển bản thân", chị nói.
Thế Đan (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chuỗi Tọa đàm The SACE Journey - Hành trình vào đại học top thế giới từ lớp 10 nằm trong khuôn khổ Education Connect - Cổng kết nối giáo dục do báo điện tử VnExpress tổ chức cùng Trường Quốc tế đơn ngữ Scotch AGS. Các chuyên gia sẽ thảo luận những chủ đề về giáo dục nhằm đánh giá về thách thức của phụ huynh Gen Z khi đồng hành cùng con, đồng thời chia sẻ quan điểm mang tính định hướng dành cho học sinh cấp 3.
Scotch College Adelaide - hệ thống giáo dục quốc tế với hơn 100 năm phát triển ở Australia đã có mặt tại Việt Nam, khởi đầu bằng việc ra mắt Trường Quốc tế Đơn ngữ Scotch AGS từ lớp 1 đến lớp 12, chuẩn hoá từ chương trình đào tạo quốc gia Australia (ACARA), nhận bằng Tú tài Australia - SACE, có giá trị quốc tế.
Độc giả đăng ký tham dự tại đây.