Trả lời:
Hiện con bạn được 5 tuổi, cân nặng 13 kg, theo chuẩn thì bé bị suy dinh dưỡng nặng. Tuy nhiên thông tin cung cấp còn quá ít để có thể chẩn đoán nguyên nhân bé bị suy dinh dưỡng là do bệnh lý đi kèm, chế độ ăn không phù hợp hay do bé biếng ăn.
Trong tình hình giãn cách xã hội như hiện tại, việc đưa bé đi khám, điều trị trực tiếp ít nhiều sẽ gặp khó khăn. Do đó, bạn có thể cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bé bằng nhiều cách. Trước hết, bạn cần chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa, lưu ý khoảng cách giữa các bữa ăn nên cách nhau ít nhất 4 giờ. Đối với bé 5 tuổi, một ngày có thể ăn 3 bữa chính, 2-3 bữa phụ. Bữa chính đảm bảo đủ 4 nhóm đạm, đường, béo, trái cây; bữa phụ có thể là sữa, sữa chua, bánh flan, trái cây...
Phụ huynh cần chú ý một số thực phẩm nên hạn chế cho bé ăn như thực phẩm nguyên hạt, khó tiêu (ngô, gạo nếp...); thực phẩm thấp năng lượng mà chiếm dung lượng lớn như khoai củ; thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, lạp xưởng...; thức ăn nghèo dinh dưỡng như snack, kẹo, nước ngọt...
Đồng thời cần đảm bảo cho bé uống lượng sữa từ 500-600 ml mỗi ngày. Sử dụng các loại sữa công thức phù hợp lứa tuổi, lựa chọn hương vị mà trẻ thích uống, phối hợp thêm sữa cao năng lượng vào cữ cuối cùng trong ngày. Tránh uống sữa cao năng lượng cả ngày, sẽ khiến bé no lâu, bỏ ăn và gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đầy bụng, khó tiêu...
Ngoài ra, bạn cần tập cho bé thói quen tập trung vào bữa ăn như ngồi ăn tại bàn ăn cùng gia đình, không xem TV, điện thoại, không chơi trong giờ ăn để tránh việc nhai không kỹ, ăn lâu, ngậm thức ăn. Thời gian mỗi bữa ăn không quá 30 phút. Cần chú ý không cho bé vặt trước bữa ăn. Khuyến khích bé tham gia vào bữa ăn, không la mắng, hù dọa, không nên ép bé ăn quá nhiều, gây nên triệu chứng đầy bụng, trào ngược hay tâm lý sợ hãi. Đảm bảo bé được tham gia vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày và ngủ đủ giấc 8-10 giờ mỗi ngày.
Còn tình trạng bé khóc và nôn ói ngay sau khi mới ăn xong là hiện tượng thường gặp, không phải do bệnh lý. Do đó cha mẹ không nên quá lo lắng. Bạn cần chú ý không tiếp tục cho bé ăn ngay sau khi bé ói.
Để hạn chế bé tiếp tục ói do quấy khóc, cha mẹ nên nhẹ nhàng với bé, không lớn tiếng khiến bé sợ hãi. Đồng thời thực hiện vuốt nhẹ ở lưng hoặc ngực theo chiều từ trên xuống, kết hợp trò chuyện vui vẻ để bé quên đi cảm giác sợ hãi và hành động nôn trớ. Có thể cho bé ăn uống lại khi bé thấy thoải mái, hợp tác.
Với tình trạng suy dinh dưỡng của bé, cha mẹ cần một kế hoạch can thiệp dinh dưỡng và theo dõi sát, để đảm bảo cải thiện cân nặng, chiều cao, giúp bé bắt kịp tốc độ phát triển phù hợp độ tuổi. Do đó, ngay khi có điều kiện, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám kiểm tra, xác định nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và có phương pháp can thiệp phù hợp nhất cho bé.
BS.CKI Ngô Hà Lệ Chi
BVĐK Tâm Anh TP HCM