Đứng đầu trong nhóm báo lãi hàng nghìn tỷ đồng bất chấp Covid-19 có thể kể đến Hòa Phát. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Hòa Phát đã có cú "lội ngược dòng" thành công khi tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều vượt xa so với kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, lũy kế cả năm 2020, doanh thu tập đoàn này là 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019. Với mức lợi nhuận kỷ lục trong quý IV/2020, Hòa Phát lần đầu ghi nhận lợi nhuận sau thuế tới 4.660 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước. Tính cả năm 2020, lãi sau thuế là 13.506 tỷ đồng.
Danh sách những đơn vị lãi nghìn tỷ không thể thiếu Vingroup. Hầu hết các ngành hàng của ông lớn này đều hoạt động ổn định sau một năm giông bão. Năm qua, doanh thu của tập đoàn này đạt 110.462 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là 13.962 tỷ đồng, lãi sau thuế 4.388 tỷ đồng.
Tập đoàn FLC ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2020 đạt gần 300 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch năm dù hai mảng kinh doanh chính là bất động sản và hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, tập đoàn này báo lãi trước thuế hơn 2.500 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước và trên 4 lần so với quý trước đó.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của FLC là hơn 13.380 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của FLC ghi nhận hơn 38.460 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với hồi đầu năm. Trong khi nhiều hãng hàng không lao đao vì dịch, Bamboo Airways vẫn lãi trước thuế 400 tỷ đồng, thuộc số ít hãng bay trên thế giới có lợi nhuận năm 2020.
Vingroup, Hòa Phát, FLC... hiện là một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam. Sự lớn mạnh của những tập đoàn này ngày càng củng cố thêm vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, nhất là bối cảnh suy thoái do dịch bệnh kéo dài từ 2020 đến nay.
Theo Sách Trắng Việt Nam 2019, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách nhà nước và tạo ra nhiều việc làm. Năm 2019, số lao động trên 15 tuổi đang làm việc cho khu vực tư nhân chiếm 83,3%, khoảng 45,2 triệu người. Vốn đầu tư của khối tư nhân đã tăng nhanh trong nền kinh tế. Nếu năm 2010, vốn tư nhân chỉ chiếm 36,1% thì đến năm 2018 đã tăng lên 43,27%.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, nhiều đơn vị vươn ra tầm quốc tế, có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo thống kê, hiện tại đã có 29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hóa trên một tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Trong số đó có 9 doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Masan, Vietjet, Techcombank, Thế Giới Di Động, Hòa Phát... Những doanh nghiệp tư nhân này đang có giá trị vốn hóa khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 44% tổng giá trị của 29 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp này tự biết cách thích nghi, nhanh chóng chuyển mình để có thể đứng vững trong tâm bão. Song, về lâu dài, điều đó vẫn chưa đủ để khu vực kinh tế tư nhân có thể bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi sau dịch.
Chia sẻ với báo giới, đại diện Tập đoàn FLC cho rằng, nếu nhìn từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp tư nhân hoạt động đa ngành, vẫn còn một số vướng mắc cần sự hỗ trợ của Chính phủ để tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi. Vị này cho rằng hiện chưa có những giải pháp cụ thể để tạo hành lang phát triển cho những doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực mũi nhọn, có thể đóng góp tối đa vào sự đi lên bền vững của nền kinh tế. "Cần đảm bảo cơ chế kinh tế thị trường giữ vai trò quyết định trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực để doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước có thể cùng nhau phát triển", vị này bày tỏ.
Tâm Anh
Sức bật của kinh tế tư nhân và giải pháp giúp khu vực này cất cánh cũng là hai chủ đề chính được đưa ra bàn thảo tại tọa đàm "Làm tổ cho đại bàng nội" diễn ra chiều ngày 5/3 tại Hạ Long, Quảng Ninh. Sự kiện có sự tham dự của đại diện Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia kinh tế, tài chính và đại diện các doanh nghiệp tư nhân trong cả nước.