Để các sản phẩm nông sản có mặt trong hệ thống siêu thị, có chỗ đứng vững chắc trên các sàn thương mại điện tử thì doanh nghiệp và hộ sản xuất cần chú trọng yếu tố nào là một trong những nội dung chính được thảo luận tại toạ đàm "Giải pháp tiêu thụ nông sản Việt tại các chuỗi bán hàng hiện đại" trên VnExpress ngày 8/10.
Cụ thể, bà Trần Diễm Sa - Trưởng phòng Thu mua ngành Thực phẩm tươi sống, Công ty Trách nhiệm hữu hạn AEON Việt Nam và ông Trần Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại điện tử Bưu chính Viettel đưa ra những nhận định về xu hướng người tiêu dùng chuyển từ đi chợ truyền thống sang các chuỗi siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch; quy trình đưa nông sản vào hệ thống siêu thị và các sàn thương mại điện tử.
Theo bà Diễm Sa, từ trước đại dịch người tiêu dùng đã ngày càng tiếp cận với công nghệ nên mua sắm trực tuyến hoặc tại các cửa hàng hiện đại như siêu thị... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, người dân dần chuyển sang mua sắm trên các nền tảng online để hạn chế tiếp xúc, tránh lây nhiễm. Xu hướng sử dụng tiền mặt cũng dần được thay thế bằng quẹt thẻ, chuyển khoản...
Tại AEON Việt Nam, từ khi dịch bệnh xảy ra, số đơn hàng online đã tăng 400% tại TP HCM, phía Bắc lượng đơn hàng cũng tăng 700%. "Trong thời gian tới, xu hướng mua sắm trực tuyến sẽ ngày càng tăng, cụ thể là bán lẻ đa kênh, đa phương thức. Chính sách của chúng tôi cũng là đẩy mạnh phát triển công nghệ, thương mại điện tử", bà Diễm Sa cho biết.
Về phía Viettel, ông Trần Trung Kiên cũng đồng tình với nhận định dịch bệnh khiến cho hành vi mua hàng trước đây dần chuyển dịch sang kênh mua sắm trực tuyến, thanh toán điện tử.
Sàn Vỏ Sò của đơn vị này cũng tập trung đẩy mạnh dịch vụ đi chợ hộ cho người dân, chủ yếu là thực phẩm tươi sống như rau củ quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng kết nối với các hộ nông nghiệp , hợp tác xã... để đưa hàng hoá về tiêu thụ ở các vùng đang bị giãn cách, cách ly.
Các tiêu chí để đưa nông sản vào siêu thị, sàn thương mại điện tử
Bà Diễm Sa cho biết, để có thể đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại hệ thống siêu thị và sàn thương mại điện tử, hàng hóa cần đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các đơn vị bán lẻ hiện đại. Trước tiên sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, chất lượng ổn định, an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra các khâu vận chuyển (logistics), ổn định giá bán cũng cần được tối ưu và đảm bảo. Các nhà cung cấp cũng cần chú ý việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa và tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm.
Cụ thể, quy trình đưa nông sản lên kệ của AEON gồm các bước: sản phẩm cần đáp ứng bộ 6 tiêu chuẩn mua hàng như kích thước, trọng lượng quả, ví dụ một chùm nhãn cần có độ dài cuống như nào là đúng quy định, trọng lượng quả, các tiêu chuẩn về chất lượng... Khi hàng đến kho giao nhận, nhân viên của hệ thống sẽ kiểm tra hàng thực tế có đồng nhất với bộ tiêu chuẩn không, nếu đúng thì sẽ nhận và bày bán, còn không như thoả thuận thì sẽ từ chối nhận lô hàng đó.
Mặt khác, trong bối cảnh đại dịch, AEON cho biết đã tích cực hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản trong nước, đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hóa cung ứng đến tay người tiêu dùng.
Hệ thống siêu thị này còn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhà cung cấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn hàng hóa đề ra, đồng thời hướng đến đạt chất lượng xuất khẩu thông qua hệ thống AEON trong khu vực.
"Nhà vườn có nhu cầu đưa sản phẩm lên kệ, có thể liên hệ phòng thu mua của AEON để được hướng dẫn các tiêu chí cần đáp ứng, giấy tờ cần bổ sung...", bà Diễm Sa chia sẻ thêm.
Tại sự kiện, ông Trần Trung Kiên cũng đưa ra những giải pháp mà Bưu chính Viettel đang áp dụng thu mua nông sản của bà con để không bị đứt gẫy. Đơn vị này thu mua nông sản dựa trên các tiêu chí như sản phẩm có hàm lượng tiêu chuẩn lượng tốt, ưu tiên có chứng chỉ VietGAP hay GlobalGAP. Thứ hai là nhà cung cấp uy tín - thông qua chính quyền địa phương để làm đầu mối. Thứ ba là thay đổi quy trình, hướng dẫn bà con bảo quản hàng hoá theo từng nhóm sản phẩm, điều chỉnh thời gian thu gom đến tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất có thể.
Ông Kiên cũng chia sẻ kinh nghiệm giúp nông dân vừa giữ giá vừa giữ được chất lượng sản phẩm thời covid-19, đó là tiêu chuẩn hoá sản phẩm và áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc. "Thông tin minh bạch sẽ giúp việc giữ giá sản phẩm tốt hơn. Nếu thời điểm này chưa làm được thì bà con cần phân loại sản phẩm và thực hiện đúng các tiêu chuẩn để người tiêu dùng có niềm tin và mua những lần tiếp theo", ông Kiên nhận định.
Bên cạnh đó, người dân cần chủ động tìm cách bảo quản, bọc hàng hoá, sao cho khi đến tay người tiêu dùng vẫn nguyên vẹn, không ảnh hưởng đến chất lượng.
Thế Đan
Toạ đàm trực tuyến "Giải pháp tiêu thụ nông sản Việt tại các chuỗi bán hàng hiện đại" nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 và Triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo.
Triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo lớn nhất Việt Nam đang mở cửa đón khách tham quan tại đây.