Mọi thiết bị camera an ninh đều có điểm mù, tức nơi không được lọt vào ống kính máy quay. Để hệ thống camera an ninh có phạm vi giám sát tối ưu, nguyên tắc đầu tiên chủ nhà cần nhớ khi lắp đặt thiết bị là tầm nhìn của mỗi camera phải bao quát được điểm mù của camera gần nhất với nó.
Chủ nhà tiếp theo cần xem xét các yếu tố như diện tích, thiết kế của ngôi nhà và phạm vi hoạt động của camera để chọn địa điểm lý tưởng đặt thiết bị. Camera cần được đặt ở khoảng cách gần nhất có thể đối với khu vực giám sát, sau đó mới quyết định ống kính cần được phóng đại ở mức nào.
Một cách nữa để xác định điểm mù là chủ nhà chụp ảnh khi đang đứng ở vị trí sẽ đặt thiết bị, từ đó mường tượng được phạm vi quan sát của camera an ninh. Dựa vào đây, chủ nhà sẽ biết mình cần dùng loại ống kính gì (góc thường hay góc rộng), cần đặt camera ở khoảng cách nào... Nếu có thể, bạn hãy cho chạy thử camera an ninh bằng cách nhờ người khác tiếp cận ngôi nhà từ nhiều góc độ khác nhau để phát hiện điểm yếu.
Bên cạnh đó, chủ nhà cũng cần trả lời câu hỏi mình cần ghi lại nội dung gì với mỗi chiếc camera an ninh (ví dụ muốn quay được rõ ràng khuôn mặt kẻ khả nghi hoặc biển số xe đi qua cổng trước). Sau khi có câu trả lời, ta sẽ xác định được chủng loại và độ phân giải của camera cần thiết.
Yếu tố chiếu sáng là yếu tố dễ bị bỏ qua khi lắp đặt camera an ninh. Nếu khu vực cần lắp đặt thiếu sáng hoặc không có đèn điện vào ban đêm, chủ nhà cần tăng sáng hoặc lựa chọn các loại camera có cảm biến hồng ngoại để có thể ghi hình trong trời tối.
Với hệ thống an ninh ngoài trời, chủ nhà cần lưu ý tới các yếu tố thiên nhiên có thể che chắn tầm nhìn ống kính, vô tình tạo điều kiện cho kẻ đột nhập lợi dụng sơ hở. Ví dụ vào mùa hè, tán cây sum suê trước nhà có thể che nắng cho ống kính, nhưng vào mùa đông lá rụng, ánh nắng có thể chiếu trực tiếp vào camera, tạo ra điểm mù trong hệ thống an ninh.
Camera ngoài trời cũng cần có độ bền nhất định để chịu đựng độ ẩm, nhiệt độ khắc nghiệt, cát bụi và các điều kiện ngoại cảnh khác có thể ảnh hưởng tới chất lượng đoạn ghi hình. Chủ nhà cần sát sao, điều chỉnh cho phù hợp với các yếu tố này ít nhất là mỗi mùa và tốt nhất là mỗi tháng.
Gia chủ cũng cần cân nhắc liệu camera an ninh của mình (cả ngoài trời lẫn trong nhà) có khả năng bị phá hoại hay không. Nếu có, cần lắp đặt hệ thống camera có thiết kế chống phá hoại (ví dụ như lắp đặt thêm khung sắt che chắn) hoặc lựa chọn những vị trí an toàn (như lắp cao hơn tầm với người bình thường).
Cuối cùng, chủ nhà cần định kỳ bảo dưỡng hệ thống camera an ninh bằng cách lau dọn ống kính để loại bỏ tác động của gió, đất cát, và bụi bặm, đảm bảo hình ảnh luôn rõ ràng.
Quốc Đạt (Theo Veridin)