Thứ ba, 3/12/2024, 16:00 (GMT+7)

Cách Bình Định phát triển nhà ở xã hội

Trong mục tiêu hơn 20.000 căn nhà ở xã hội năm 2030, đến nay tỉnh đã vận hành 7 dự án, mang giấc mơ có nhà đến cho hàng nghìn người dân.

Một góc trung tâm thành phố Quy Nhơn.

Quê Quảng Nam nhưng chị Trần Đức Linh, 35 tuổi, chọn Quy Nhơn làm nơi lập nghiệp, sinh sống vì yêu thích khí hậu của thành phố biển và nhận thấy nhiều tiềm năng phát triển. Làm thiết kế tự do, thu nhập của chị đến từ việc "năng nhặt chặt bị" từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng không ổn định tùy theo số lượng khách đặt hàng. Tương tự, chồng chị cũng là lao động tự do nên thu nhập cả hai cao nhất một tháng khoảng 30 triệu đồng.

Vợ chồng Linh nhiều năm ở nhà thuê, nhưng khi sinh con, chi phí phình to, tiền thuê nhà trở thành một gánh nặng. Đôi vợ chồng trẻ khao khát có một mái ấm thuộc về mình, cũng là để con đỡ phải chịu cảnh chuyển trọ từ nơi này qua nơi khác. "Giá nhà ở Quy Nhơn cũng cả tỷ đồng, vợ chồng tôi chưa từng dám nghĩ tới", chị Linh nói.

Ba năm trước, dự án nhà ở xã hội Tân Đại Minh (Lamer 1) của Công ty TNHH Đầu tư Tân Đại Minh ra mắt với gần 500 căn hộ. Mức giá rẻ nhất khoảng 700 triệu đồng một căn khoảng 50m2, mở ra cơ hội cho vợ chồng Linh. Cả hai quyết định đăng ký mua với số tiền tích góp, nhận nhà giữa năm 2021 và dọn đến sinh sống từ đầu năm 2022.

"Thời điểm nhận nhà, tôi đã òa khóc vì hạnh phúc, háo hức. Tôi tỉ mỉ lựa chọn từng món đồ, chăm chút từng góc nhỏ trong nhà. Cô con gái nhỏ cuối cùng cũng có được căn phòng mơ ước", chị Linh chia sẻ.

Một gia đình sống trong nhà ở xã hội tại Quy Nhơn.

Linh là một trong số hàng nghìn người dân tại thành phố biển miền Trung này được thụ hưởng kết quả quá trình đẩy mạnh nhà ở xã hội của địa phương. Theo định hướng của cả nước "đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Bình Định được xem là tỉnh đang đi đúng hướng về lĩnh vực nhà ở.

Sau nhiều năm, tỉnh này đưa vào sử dụng 7 dự án nhà ở xã hội và một phần của dự án thứ 8, cung cấp gần 3.500 sản phẩm, chủ yếu tại Quy Nhơn - thủ phủ của địa phương. Con số này góp phần biến giấc mơ an cư của hàng chục nghìn người trở thành hiện thực, hình thành nên những khu phố mới, mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ.

Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, nói tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 20.300 căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn đến năm 2025 sẽ có 38 dự án được đầu tư, với kế hoạch hoàn thành 1.400 căn hộ trong năm 2024. Hiện tỉnh thi công 4 dự án và một phần của một dự án khác với tổng số 4.380 căn hộ. Đồng thời, 8 dự án mới với 4.159 căn hộ cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục để khởi công.

Theo ông Bảo, Bình Định quyết tâm vượt tiến độ khi dự kiến hoàn thành 12.900 căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2025 – sớm hơn 5 năm so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội

Chăm lo nhà ở cho người dân có thu nhập thấp là vấn đề an sinh xã hội lớn, nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước. Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định đây không phải lĩnh vực để đầu cơ, mà để chăm lo cho người dân trong tỉnh, người đến làm việc ở Bình Định có nơi ăn chốn ở.

Để đẩy mạnh kế hoạch này, UBND tỉnh đã trình HĐND thông qua cơ chế hỗ trợ để triển khai các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn tài chính công đoàn, đến năm 2030.

Theo đó, địa phương hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội. Đồng thời, Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi xây dựng được phê duyệt. Mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 50% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại thời điểm phê duyệt dự án.

Bên trong một dự án nhà ở xã hội tại Quy Nhơn.

Theo ông Trần Viết Bảo, chính sách được thông qua giúp giảm giá thành trong quá trình xây dựng. Chẳng hạn, thông thường, chi phí giải phóng mặt bằng 5 tỷ đồng mỗi ha, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật khoảng 5 tỷ đồng mỗi ha. Với mức hỗ trợ theo chính sách, các dự án có thể giảm được 200.000 đồng mỗi m2 nhà ở xã hội khi bán ra. "Mức giảm này tuy không quá lớn, nhưng sẽ giúp người dân tiếp cận và có khả năng mua được nhà, đặc biệt nhóm thu nhập thấp trong tình hình còn nhiều khó khăn như hiện nay", Giám đốc Sở Xây dựng phân tích.

Ông Bảo cũng cho rằng việc thông qua chính sách trước mắt sẽ trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng các dự án. Về lâu dài, khi có điều kiện, tỉnh sẽ bổ sung các cơ chế hỗ trợ phù hợp khác nhằm tiếp tục giảm giá bán nhà ở xã hội, qua đó giúp người mua, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, có cơ hội sở hữu nhà dễ dàng hơn.

Ông nhấn mạnh, sự hỗ trợ và chia sẻ trách nhiệm với các nhà đầu tư chính là cách tỉnh Bình Định góp phần gián tiếp mang lại cơ hội an cư cho người dân thu nhập thấp. "Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các cơ chế hỗ trợ mới khi điều kiện cho phép, nhằm giảm giá bán và tạo điều kiện tốt hơn cho người dân," ông Bảo khẳng định.

Về hỗ trợ tài chính, hiện Bình Định có 7 dự án nhà ở xã hội xây dựng mới, một dự án cải tạo, xây dựng lại đủ điều kiện tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Định tham gia hỗ trợ tài chính, với các gói vay ưu đãi từ 40 tỷ đến 100 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư. Năm 2024, quỹ đã ký hợp đồng tín dụng 100 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Cơ điện IEC - chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại TP Quy Nhơn.

Dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Quy Nhơn.

Khơi thông nguồn lực đẩy nhanh tiến độ

Là một trong những dự án quan trọng dự kiến hoàn thành trong năm 2024, Nhà ở xã hội Tân Đại Minh (Lamer 2) tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, đang được chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện các hạng mục theo quy định.

Ông Nguyễn Trường Vỹ, Phó tổng giám đốc Tân Đại Minh, cho biết công ty đang tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng để sớm nhận thông báo kết quả nghiệm thu công trình. Đây là cơ sở pháp lý để tổ chức nghiệm thu và đưa vào sử dụng các hạng mục thuộc hai khối nhà,

Dự án Lamer 2 có tổng quy mô 851 căn hộ. Dự kiến, giai đoạn một có 590 căn hộ được bàn giao vào cuối năm nay, giai đoạn 2 gồm 261 căn dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Đây là dự án thứ hai của công ty tại Bình Định, sau dự án Lamer 1 (486 căn hộ) đã được bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2021.

Chủ đầu tư cho biết để đảm bảo tính minh bạch, mọi thông tin liên quan đến tiến độ, thủ tục đăng ký mua nhà đều được công bố trên trang thông tin của Sở Xây dựng tỉnh Bình Định. Ông Vỹ khẳng định nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi để dự án triển khai đúng kế hoạch.

Tương tự, tại dự án Nhà ở xã hội Nhơn Phú 2 (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn), chủ đầu tư đang tập trung toàn bộ nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành theo đúng thời gian được phê duyệt. Dự án đã hoàn thành cất nóc và bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà.

Đại diện chủ đầu tư Nhơn Phú 2 cho biết ưu tiên triển khai các công trình tiện ích xã hội như trường học, công viên và các công trình công cộng khác nhằm phục vụ cư dân. Đồng thời, dự án chú trọng bố trí dải cây xanh dọc tuyến Quốc lộ 1D, góp phần giảm thiểu bụi và tiếng ồn, nâng cao chất lượng môi trường sống cho cộng đồng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khảo sát thực địa các dự án nhà ở xã hội đầu tháng 11.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn trong buổi kiểm tra thực địa hồi tháng 11 nhấn mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội tạo điều kiện cho mọi hộ dân có nhà ở là chủ trương lớn. Mục tiêu cao nhất là có nhiều nhà ở, giải quyết nhu cầu cho người có thu nhập thấp. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tham gia, đơn giản hóa thủ tục và duy trì giá bán nhà ở xã hội dưới 12 triệu đồng mỗi m2.

"Giá bán và phí quản lý vận hành nhà ở xã hội phải phù hợp với thu nhập của các đối tượng được hỗ trợ, đảm bảo khả năng tiếp cận và tuân thủ khung giá do tỉnh quy định", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho rằng phải đổi mới tư duy, nhận thức trong việc phát triển nhà ở xã hội, không phân biệt nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại. Công tác quy hoạch xây dựng các dự án nhà ở xã hội phải quan tâm đến mật độ xây dựng công trình, dành quỹ đất đảm bảo bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bãi đỗ xe, các tiện ích phục vụ cộng đồng dân cư; phương án thiết kế hợp lý, khoa học, có tính đến yếu tố sử dụng lâu dài.

"Dự án nhà ở xã hội phải được đầu tư xây dựng đẹp, đảm bảo chất lượng, bền vững, lâu dài, bố trí đầy đủ các chức năng, tiện ích dịch vụ công cộng. Phương án thiết kế các căn hộ nhà ở xã hội phải có không gian thoáng đãng, bố trí hợp lý, khoa học", Chủ tịch tỉnh Bình Định nói.

Diệu Linh

Ảnh: Diệu Linh, Thùy Trang, Trường Vỹ