Theo bà Nguyễn Võ Uyên Mi, giảng viên môn phong thủy tại TP HCM, muốn bày trí cây xanh đúng cách và tốt cho sức khỏe gia đình, trước tiên gia chủ cần phải hiểu về bản chất của hành Mộc. Trong 5 khí thuộc ngũ hành gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thì Mộc là yếu tố đặc biệt nhất vì có sự sống và phát triển vươn lên. Bản chất của Mộc là khúc trực, khúc là cong, trực là thẳng. Vì vậy ở Mộc luôn tồn tại đủ bản chất nhu nhuyễn dễ uốn nắn của âm và mạnh mẽ vươn lên của dương.
Mộc đại diện cho chữ Nhân trong ngũ đức gồm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đây là biểu tượng cho sự học hành, phát triển, lòng nhân ái, vị tha. Những người thích làm bạn với cây thường có tấm lòng bao dung, vị tha, nhân văn.
Trong phong thủy, cây là một phần không thể thiếu, vừa giúp tạo cảnh quan đẹp vừa kích hoạt sinh khí, ngăn cản sát khí. Theo quan điểm của cổ nhân, một ngôi nhà tốt thì cần “tàng phong tụ khí” tức là sinh khí cần được tích tụ lại, tránh để gió thổi tản đi. Khí cân bằng sẽ tạo sự hài hòa giữa nơi cư trú với môi trường xung quanh.
Bố trí cây xanh cũng dựa trên nguyên tắc bất di bất dịch của phong thủy là sự thông thoáng. Bất luận trồng cây cảnh ở nhà hay văn phòng công ty đều phải bố trí thế nào cho thoáng đãng, tránh gây cảm giác tù túng, chật chội. Chẳng hạn, nhà nhỏ mà đặt cây to vừa mất đi tính thẩm mỹ hài hòa vừa khiến cho đường đi của khí bị tắc nghẽn, sinh ra tù túng, bực bội cho con người.
Những người thực sự am hiểu về phong thủy còn biết cách ứng dụng Bát trạch pháp nhằm tìm ra các cung sinh khí, phục vị trong ngôi nhà hoặc phòng khách, phòng làm việc để bố trí cây cảnh hợp với các cung này. Sinh khí và Phục vị là 2 cung rất tốt, chủ về tài lộc, sự hanh thông, hồi phục, vững vàng, ứng với 2 sao Tham Lang và Tả Phù. Vì vậy khi để cây cối vào đúng vị trí đó sẽ kích hoạt năng lượng của 2 sao này mạnh hơn. Như thế mới gọi là "nghệ thuật phong thủy".
Người bình dân mê cây kiểng chỉ cần nhớ nguyên tắc là không chọn các loại cây có cành nhọn đâm nhô ra. Dù trưng bày trong nhà hay ngoài sân, các cành nhọn nhô ra đều tạo thành sát khí, đặc biệt cấm kỵ đặt trong phòng sẽ tạo nên sát khí nội vi gây bất an và mang lại hung họa cho con người sống trong môi trường đó. Ngược lại, nên ưu tiên chọn các loại cây mang đến sự may mắn, chẳng hạn như cây phát tài, ưu tiên cây lá to còn xanh tươi, đẹp đẽ. Nếu cây hay hoa đã héo úa, khô cằn không nên để lại.
Ngoài việc dùng cây làm cảnh trang trí, các chuyên gia phong thủy còn biết cách vận dụng nghệ thuật sắp đặt yếu tố Mộc như một bức tường chắn và hóa giải sát khí. Ví dụ đối với những ngôi nhà có sát khí hướng vào mặt tiền nên đặt một hàng chậu cây để chắn tại hướng đó.
Nếu nhà đối diện xây lầu nhô ra như thế "kình quyền sát" hay "liêm đao sát" chém qua cửa lầu nhà mình, bạn cũng có thể đặt hàng cây để chắn hướng đó. Đối với một ngôi nhà bên trái là cung Thanh Long chủ về con người (Nhân đinh) thì nên trồng hoặc đặt cây ở bên trái. Đối với bàn làm việc cũng vậy, để cây ở bên trái sẽ giúp cho các mối quan hệ nhân sự ổn định hơn.
Ngoài ra cần chú ý những điều kiêng kỵ trong bày trí cây cảnh. Cổ nhân dạy "Vật cực tắc phản", tuy nói mộc là hành tốt nhưng nếu dùng quá nhiều sẽ phản tác dụng. Là ngũ hành thì nên vận dụng vừa phải. Cấm kỵ trồng cây trong phòng ngủ, điều này còn đúng về mặt khoa học, việc trồng cây hoặc bông hoa trong phòng ngủ, vào ban đêm cây quang hợp sẽ hút hết khí oxy thải khí carbon, nếu phòng ngủ kín khí có thể dẫn đến chết người.
Những người thích hoa lan không nên trồng các loại lan rừng, lan dại trong nhà vì chúng mang sinh khí u ám của núi rừng về nhà dễ gây những điều không may lành. Gia chủ thực sự quan tâm đến bộ môn khoa học phong thủy có thể tìm đến chuyên gia về mệnh lý tứ trụ để xem hành Mộc có phải là dụng thần, hỷ thần và phù hợp với năng lượng của bản thân hay không để bày trí cây cảnh đúng cách.