Cuộc khảo sát gần đây của Bank of America với 1.000 người trên 18 tuổi cho thấy, chỉ 15% Gen Z - những bạn trẻ sinh từ năm 1997 đến 2012 - có thói quen thường xuyên tiết kiệm tiền. Đồng thời, cũng chỉ khoảng 20% người khảo sát thuộc Gen Z có đóng góp vào tài khoản hưu trí.
Douglas Boneparth, nhà lập kế hoạch tài chính, sáng lập công ty tư vấn tài chính Bone Fide Wealth, khuyên rằng những người trẻ tuổi nên tập bỏ qua những áp lực từ mạng xã hội và làm những gì tốt nhất cho cuộc sống chính mình. Việc xây dựng thói quen tiết kiệm cũng khó diễn ra một sớm một chiều.
Đồng sáng lập hãng tư vấn tài chính Sun Group Wealth Partners, bà Winnie Sun cũng cho rằng ưu điểm là Gen Z vẫn có nhiều thời gian với tương lai của mình. Việc bắt đầu tiết kiệm và đầu tư ngay từ bây giờ, dù chỉ là số tiền nhỏ, theo bà, sẽ giúp đóng góp đáng kể vào khoản tích lũy về sau.
Hai chuyên gia tài chính đưa ra ba lời khuyên để thế hệ trẻ bắt đầu có thói quen tích lũy tài chính.
Quản lý thu nhập hàng tháng
Bạn có thể trở nên có kỷ luật hơn về tài chính bằng cách theo dõi chi tiêu và số tiền dư lại hàng tháng.
Đơn giản nhất, Boneparth nói, giả sử bạn vẫn còn lại 500 USD sau khi trang trải các chi phí trong tháng, hãy nghĩ về cách quản lý số tiền đó, thay vì tiêu sạch cho các món đồ chưa thực sự cần thiết. Điều này giúp rèn luyện não bộ lùi lại một bước, giúp bạn dần suy nghĩ về các mục tiêu tài chính trong tương lai.
Nếu thông thạo hơn với việc phân chia theo tỷ lệ phần trăm, bạn có thể tham khảo phương pháp phổ biến là dành 50% thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu, 30% cho các chi phí cá nhân và dành 20% cho tiền tiết kiệm, Winnie Sun cho hay. Nếu bạn đang ở độ tuổi 20, chuyên gia gợi ý có thể điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phù hợp hơn theo hướng tăng tỷ lệ tiết kiệm, ví dụ 25% cho tiết kiệm trong ít nhất 10 năm.
Có khoản dự phòng
Ngay cả khi bạn chưa xây dựng được kỷ luật tài chính, chuyên gia khuyên rằng bạn ít nhất cũng nên có khoản tiền dự phòng cho các tình huống xấu phát sinh như mất việc hoặc nguồn thu nhập bị gián đoạn. Khoản dự phòng này theo Boneparth nên tương đương ít nhất 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Ví dụ, nếu bạn kiếm được 5.000 USD một tháng và chi tiêu hết 4.000 USD, bạn hãy bắt đầu bằng việc tiết kiệm 1.000 USD này và ưu tiên phân bổ cho mục tiêu dự phòng, thay vì nghĩ tới việc mua sắm một món đồ giá trị lớn.
Đặt ra các mục tiêu tài chính
Khi đã có khoản dự phòng cho ít nhất 3 đến 6 tháng, đây là lúc bạn đặt ra các mục tiêu tài chính khác như trả hết nợ vay sinh viên, mua nhà hoặc tiết kiệm cho hưu trí...
Có ba câu hỏi bạn nên đặt ra cho tương lai tài chính. Mục tiêu tài chính của bạn sẽ tốn bao nhiêu tiền và mất bao lâu để đạt được? Khi nào bạn muốn đạt được từng mục tiêu? Bạn muốn ưu tiên mục tiêu nào?
Boneparth cho biết các ưu tiên của bạn giúp "xác định mục tiêu nào sẽ được tài trợ trước hoặc phân bổ lớn hơn các mục tiêu khác". Bằng cách cân nhắc ba yếu tố này, bạn có thể bắt đầu lập kế hoạch tiết kiệm hiệu quả và xây dựng lối sống phù hợp để đạt được các mục tiêu tài chính trong tương lai.
Quỳnh Trang (theo CNBC Make it)