Thứ hai, 11/11/2024
Thứ năm, 22/3/2018, 15:00 (GMT+7)

Cách bảo vệ dữ liệu cá nhân trên Facebook

Mạng xã hội là nơi kết bạn, giao lưu mọi người nhưng cũng dễ phơi bày nhiều thông tin cá nhân riêng tư nếu như không để ý.

Facebook đang đối mặt với nhiều chỉ trích, thậm chí một cuộc khủng hoảng lớn trước scandal để lộ thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng. Nguyên nhân xuất phát từ việc Facebook đã không đảm bảo được an toàn dữ liệu cá nhân từ người dùng của họ, và để những công ty như Cambridge Analytica âm thầm khai thác. 

Cách thức hoạt động của Facebook từ trước đến nay cho phép nhiều ứng dụng thứ ba trên nền tảng của họ có thể tiếp cận được các thông tin cá nhân và dữ liệu riêng tư. Ngoài những ứng dụng trắc nghiệm, bói toán, khảo sát... xuất hiện đầy rẫy trên Facebook hay các trang web, phần mềm hay trò chơi có thể sử dụng tài khoản Facebook để đăng nhập đều có thể thu thập lại nhiều thông tin cá nhân.

Rất nhiều người dùng không có thói quen xem kỹ những dữ liệu riêng tư nào của mình được chia sẻ mỗi khi đăng ký tài khoản hay sử dụng ứng dụng.

Vì thế, có trường hợp dù là một trò chơi, FarmVille lại yêu cầu truy cập vào rất nhiều dữ liệu cá nhân trên tài khoản Facebook từ ảnh, video cá nhân cho tới cả Quan điểm tôn giáo và chính trị. Một số ứng dụng, phần mềm khác còn có thể tự hoạt động thay thế người dùng hay quản lý quảng cáo, quản lý doanh nghiệp của các trang, nhóm có liên kết...

Để bảo vệ dữ liệu riêng tư, người dùng có thể kiểm tra danh sách các ứng dụng và phần mềm được quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của mình trong mục Ứng dụng, phần Cài đặt của Facebook. Với những ứng dụng có nghi ngờ, hay không thường xuyên dùng hoặc đã bỏ đi, người dùng nên loại bỏ quyền truy cập cho chúng bằng cách bấm vào dấu X bên cạnh. Cũng có thể truy cập vào từng ứng một để xem chi tiết quyền hạn.

Facebook cũng cho biết dù xoá ứng dụng khỏi tài khoản, những dữ liệu cá nhân đã chia sẻ với các ứng dụng đó có thể vẫn bị nhà phát triển giữ lại và người dùng buộc phải tự liên hệ. Trong scandal rò rỉ thông tin 50 triệu tài khoản người dùng, Facebook cho biết từ 2015 họ đã yêu cầu Cambridge Analytica và ứng dụng của họ xoá dữ liệu không hợp lệ thu thập từ người dùng, nhưng có thể chúng đã không được xoá và sử dụng sau. 

Trong các cài đặt bên dưới, nếu không muốn chia sẻ thông tin cá nhân riêng tư cho các ứng dụng thứ ba trên nền tảng, người dùng nên thay đổi thiết lập mặc định từ Facebook, ngừng kích hoạt Ứng dụng, trang web và Plugin và giảm lượng dữ liệu cá nhân chia sẻ với Ứng dụng những người khác dùng.

Một bước nữa để tránh cho các phần mềm, ứng dụng có thể tiếp cận dữ liệu thông tin riêng tư cũng như tự ý hoạt động trên Facebook là kiểm tra lại Nhật ký hoạt động. Nó cung cấp toàn bộ lịch trình hoạt động của tài khoản, nhờ thế có thể phát hiện các ứng dụng nghi ngờ, âm thầm hoạt động. 

Ngoài ra, trong phần Cài đặt của Facebook, mục Quyền riêng tư. Để tránh công khai thông tin cá nhân, người dùng không nên cho phép công cụ tìm kiếm bên ngoài liên kết với trang cá nhân, cũng như hạn chế việc mọi người có thể tìm kiếm tài khoản của bạn thông qua số điện thoại hay địa chỉ e-mail dùng để đăng ký.

Trong cài đặt về Dòng thời gian và gắn thẻ (tag), người dùng chỉ nên để chế độ hiển thị Bạn bè hoặc Bạn bè của bạn bè thay vì Mọi người để tránh hình ảnh, video hay thông tin cá nhân được công khai, dễ phát tán.

Để bảo vệ chính tài khoản Facebook, nên kích hoạt chế độ "xác thực 2 yếu tố", "cảnh báo khi bị đăng nhập" ở thiết bị lạ và thường xuyên theo dõi các thiết bị đã đăng nhập trong mục Bảo mật và đăng nhập của phần Cài đặt.

Tuấn Anh