Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí nhớ phổ biến, chiếm khoảng 2/3 tổng số trường hợp sa sút trí tuệ. Bệnh do đa yếu tố tác động, tức là có sự kết hợp của tuổi tác, di truyền và lối sống.
Bác sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh tư vấn di truyền tại công ty Genetica (TP HCM) cho biết, tuổi tác ngày càng tăng là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, tiếp đến là đến di truyền. Tại Việt Nam, bệnh Alzheimer đang có xu hướng gia tăng do cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ, gây suy giảm trí nhớ sớm.
Tuổi tác
Tuổi tác càng cao, não càng lão hóa, nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng. Bệnh thường phát triển sau 65 tuổi. Phụ nữ dễ bị sa sút trí tuệ hơn đàn ông do sống lâu hơn, có nhiều yếu tố tác động như căng thẳng trong công việc, chăm sóc gia đình... Bác sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ thêm, nhiều người thường nghĩ Alzheimer là bệnh của người già nhưng có thể gặp ở những người trẻ tuổi, có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, Alzheimer khác với với tình trạng lão hóa, suy giảm trí nhớ bình thường khi lớn tuổi và không nên nhầm lẫn.
Các triệu chứng của bệnh như mất trí nhớ kéo dài, càng ngày nghiêm trọng theo thời gian, gặp khó khăn khi thực hiện các công việc hàng ngày, khó tập trung, suy nghĩ dễ bị xáo trộn... Người càng già càng dễ mắc nhiều bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh về thần kinh... và chúng cũng có thể tác động, khiến cho tình trạng sa sút trí tuệ phát triển.
Di truyền
Bác sĩ Mỹ Hạnh cho biết thêm, Alzheimer có yếu tố di truyền mạnh, tức là nếu một người có cha mẹ mắc căn bệnh này thì sẽ có nguy cơ cao. Các gene APP, PSEN1, PSEN2 có thể thúc đẩy sớm diễn tiến của tình trạng bệnh; trong khi gene APOE có tác động đến các ca Azheimer khởi phát muộn. Ngoài ra còn có các gene có liên quan đến hoạt động của thần kinh như ABCA7, CLU, CR1, PICALM... Xác định các yếu tố nguy cơ di truyền đối với bệnh Alzheimer là cần thiết nếu muốn nâng cao hiểu biết và điều trị.
Nghiên cứu được công bố vào đầu tháng 4 trên tạp chí Nature Genetics đã phát hiện có 75 vùng trên bộ gene có liên quan đến bệnh Alzheimer trên 7.000 người khỏe mạnh và mắc bệnh ở Anh. 42 trong số các vùng này chưa từng được phát hiện có liên quan đến căn bệnh này trước đây. Các nhà nghiên cứu tìm thấy các gene có khả năng gây ra sự phát triển của bệnh Alzheimer là các gene liên quan đến protein đặc trưng như amyloid và tau.
Bác sĩ Mỹ Hạnh giải thích, Alzheimer gây ra sự tích tụ protein trong não, làm mất trí nhớ ở người do những mảng protein này ngăn cản sự giao tiếp của các tế bào thần kinh. Bệnh Alzheimer tiến triển sẽ làm tổn thương hồi hải mã đầu tiên - một phần của não bộ chịu trách nhiệm về trí nhớ. Não bắt đầu co lại sau khi các tế bào thần kinh chết đi và các mô não cũng co lại đáng kể ở giai đoạn cuối của bệnh. Sự lắng đọng trong não protein amyloid trong não có liên quan đến tổn thương oxy hóa, hoạt động viêm và thâm hụt acetycholine dẫn đến mất tế bào thần kinh và gây ra rối loạn chức năng nhận thức và hành vi.
Môi trường
Nghiên cứu của 30 cặp song sinh ở Thụy Điển đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, một nửa sự khác biệt giữa các cá nhân về nguy cơ mắc bệnh Alzheimer có thể là do môi trường.
Các yếu tố môi trường bao gồm tiếp xúc với ô nhiễm không khí, lối sống không lành mạnh như căng thẳng, thiếu ngủ, lười tập thể dục, thừa cân, béo phì... có tác động đến não bộ. Chẳng hạn căng thẳng có liên quan đến việc kích hoạt trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận, giải phóng các hormone glucocorticoid. Glucocorticoid có thể gây mất tế bào thần kinh, đặc biệt là ở vùng hải mã, một cấu trúc não quan trọng cho trí nhớ. Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Bệnh lý
Lượng máu cung cấp cho não giảm do mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao... cũng có liên quan đến Alzheimer. Bệnh nhân tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh do sự suy thoái về khả năng nhận thức và trí nhớ. Do đó, người có các bệnh lý nền cần kiểm soát tốt các bệnh này, từ đó giảm khả năng bị sa sút trí tuệ.
Dù chưa có thuốc điều trị Alzheimer hiệu quả nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nguy cơ mắc bệnh bằng cách biện pháp quản lý căng thẳng, thực hiện lối sống lành mạnh (tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc...). Chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng có ích cho việc phòng ngừa căn bệnh này. Để phòng tránh Alzheimer, bạn nên chăm sóc và bảo vệ vùng não như tránh các chấn thương vùng đầu, giữ cho đầu óc thư giãn thoải mái. Khi bạn càng có lối sống lành mạnh thì nguy cơ mắc bệnh càng giảm hoặc có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Kim Uyên