![]() |
Khách vẫn vào tham quan vườn chim công viên Đầm Sen. |
Sáng 1/2, công viên văn hóa Đầm Sen, TP HCM vẫn mở cửa đón khách. Hàng trăm khách du lịch vẫn vào tham quan nô đùa, chụp hình chung với nhiều loại chim két, công, trĩ, quạ, cò, sáo, vịt...
Ông Văn Tài Ba - Phó giám đốc công viên Đầm Sen - cho rằng: “Trước Tết, chúng tôi đã đóng cửa để phun thuốc khử trùng phòng chống dịch cúm. Hiện nay, các loài lông vũ ở Đầm Sen vẫn chưa có dấu hiệu bị bệnh”.
Đầm Sen có đến hơn 70 loài chim quý hiếm. Ngoài việc thực hiện khử trùng khu và theo dõi công viên chưa có biện pháp nào khác phòng dịch. Hiện nơi này đang chờ hướng dẫn xử lý của Chi cục Thú y TP HCM.
Ông Đoàn Minh Tuấn - Phó giám đốc khu du lịch Suối Tiên - cho biết, sau khi có dịch cúm gà lây lan sang các loài chim cảnh, nơi đây đã tiến hành bắt và tiêu hủy nhiều đàn bồ câu. Nhưng hiện nay việc bắt chim vẫn còn khó khăn do nhiều đàn bồ câu của dân bay vào. Chiều 30/1, ban lãnh đạo khu du lịch đã quyết định ngưng bán vé tham quan vườn chim và lập hàng rào cách ly không cho du khách vào tham quan khu vực này.
Tại Thảo cầm viên TP HCM có 50 loài chim với hơn 200 con, trong tổng số 600 con chim, thú. Ông Phan Việt Lâm, Phó giám đốc Thảo Cầm Viên, khẳng định, đến thời điểm này đàn chim vẫn khỏe mạnh, chưa có biểu hiện gì liên quan đến dịch cúm gà. Hai tuần trước tết, sau khi có tin dịch cúm gà diễn ra ở Long An và Tiền Giang, Thảo Cầm Viên đã thực hiện các biện pháp đề phòng dịch. Các động vật ăn gà vịt đã được thay thế bằng thức ăn khác và tiêm thuốc kháng sinh, cho uống vitamin B, C nhằm tăng khả năng đề kháng.
Theo ông Trần Đăng Trung - đội trưởng đội động vật Thảo Cầm viên, 90% loài chim ở đây là loài quý hiếm. Đến nay đơn vị này vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo nào từ các ngành liên quan. Tuy nhiên, nếu xảy ra nhiễm bệnh từ dịch cúm gà lây sang thì công viên cũng sẽ quyết định hủy toàn bộ. Biện pháp trước mắt là hướng dẫn du khách chỉ tham quan, không tiếp xúc quá gần với động vật.
Ngày 31/1, UBND tỉnh Cà Mau đã đóng cửa Công viên văn hóa Cà Mau để bảo vệ đàn chim cư trú trên 10.000 con và 40 loài thú nuôi sinh cảnh.
Cùng ngày, Ủy ban Phòng chống dịch tỉnh Bạc Liêu cũng đã ra lệnh đóng cửa vườn chim Bạc Liêu cho đến hết dịch mới mở cửa trở lại. Vườn chim cũng được tăng cường kiểm tra 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của các loài chim.
Toàn bộ vườn chim Bạc Liêu hiện có khoảng 77 loài, với khoảng 38.000 con, trong đó có đến 10 loài thuộc chim quý hiếm.
Trong khi đó, theo Phòng thú y huyện Thốt Nốt, Chi cục Thú y tỉnh Cần Thơ đã có lệnh yêu cầu chủ vườn cò Bằng Lăng (huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) đóng cửa và khuyến cáo không cho khách vào tham quan. Phòng thú y huyện Thốt Nốt cũng dán các áp phích trên đường vào vườn cò, khuyến cáo khách tham quan không nên vào.
Ông Võ Bé Hiền - chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp - cho biết, tới thời điểm này (1/2), 11/11 huyện thị trong tỉnh Đồng Tháp đều đã có dịch cúm gà. Các vườn cò đều nằm trong vùng có dịch nên khả năng cò, vạc, le le... bị lây nhiễm là có.
Bán kính hoạt động của loài chim trời này rất rộng, 5-30 km, tùy theo loài và nguồn thức ăn của chúng. Trong quá trình đi kiếm ăn, có thể chúng sẽ đáp vào những vùng đang có dịch cúm gà. Thậm chí, cò có thể ăn thịt gà bệnh chết do người dân tiêu hủy không kỹ, từ đó mang mầm bệnh.
Hiện chưa có thông tin gì về việc cò, vạc, le le... bị nhiễm bệnh, bởi việc bắt được loại chim trời này để lấy mẫu xét nghiệm không dễ. Theo ông Hiền, việc tiêu hủy chúng cũng hết sức khó khăn. "Thứ nhất, chúng là chim trời làm sao bắt được để hủy? Thứ hai, đây là loài động vật hoang dã, về góc độ môi trường thì chúng cần được bảo vệ. Nếu hủy chúng thì không được, mà giữ lại thì dịch bệnh có thể lây lan", ông Hiền nói.
(Theo Tuổi Trẻ)