Sự cuồng nhiệt thái quá của CĐV, thiếu chuyên nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh trận đấu là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vỡ sân.
Đây không phải là lần đầu tiên sân Vinh bị vỡ. Những CĐV từng theo bước chân đội bóng xứ Nghệ nhiều năm qua từng chứng kiến cảnh vỡ sân Vinh cách đây gần 20 năm về trước. Khi đó, sân Vinh cũng xảy ra tình trạng CĐV chen lấn, xô đẩy nhau ùa vào sân. Còn ở các khán đài C, D, người dân xung quanh sân mở dịch vụ cho thuê thang để các CĐV trèo qua tường rào. Những hình ảnh đó đã lại được tái hiện chiều ngày 14/4 vừa rồi. Có khoảng 30.000 CĐV vào sân, trong khi sức chứa của sân chưa tới 20.000 người.
Ngoài những tường rào khá sơ sài, cổng vào sân cũng không thực sự kiên cố. Trong khi đó, hàng rào ngăn CĐV với đường piste lại quá thấp và không chắc chắn, nên trong sự cố diễn ra tại vòng 5, rất nhiều hàng rào sắt đã bị xô đổ hoặc biến dạng.
Nhìn chung, theo đánh giá của ban tổ chức, sân Vinh mới chỉ suýt bị vỡ chứ không như những gì báo chí nói. Điều này sẽ giúp BTC sân tránh một án kỷ luật nặng từ Ban kỷ luật VFF.
Trong quá khứ, sân Chùa Cuối của Nam Định (giờ là sân Thiên Trường) từng chứng kiến cảnh tượng hãi hùng ở trận đấu chủ nhà gặp HAGL ở mùa giải 2003. Khi đó, sân Chùa Cuối đang xây dựng dở để phục vụ cho SEA Games 22 nên các CĐV đã trèo lên cả dàn giáo để theo dõi trận đấu. Trước sự “hăng máu” của các CĐV, ban tổ chức sân cũng không có động thái can ngăn vì sợ đổ thêm dầu vào lửa. Trước sức ép của các CĐV Nam Định, HAGL với nhiều ngôi sao Thái Lan vẫn chấp nhận thua 0-2.
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, sân Vinh không phải là sân duy nhất để xảy ra tình trạng CĐV tràn vào sân, ngồi ở đường piste. Trên sân Thanh Hóa ở mùa giải 2007, gần 30.000 CĐV tràn vào sân vốn chỉ có sức chứa hơn 10.000 người. Hơn 200 nhân viên bảo vệ của ban tổ chức sân không thể ngăn cản dòng người vượt qua hàng rào chắn tràn xuống, ngồi luôn ở đường piste để xem đội chủ nhà Thanh Hóa và Đà Nẵng. Lo xảy ra hậu quả, sân Thanh Hóa phải tăng cường thêm cả bộ đội và công an, nhưng tình hình vẫn rất lộn xộn. Trận đấu đã suýt không thể tổ chức nếu không có sự bảo đảm của một lãnh đạo tỉnh. Còn nhớ khi đó, đích thân Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt điện thoại hứa đảm bảo an ninh, an toàn cho trận đấu với ban tổ chức sân.
Tuy nhiên sự cố vẫn xảy ra ở hiệp hai, sau khi thủ môn đội khách là Đức Cường có pha ôm bóng trên vạch vôi khung thành, hàng trăm CĐV hồn nhiên chạy thẳng vào sân để uy hiếp cầu thủ Đà Nẵng và tổ trọng tài. Sau tình huống đó, trọng tài Võ Minh Trí có pha bẻ còi lịch sử, khi công nhận bàn thắng cho Thanh Hóa. Trước sức ép lớn từ hàng nghìn CĐV ngồi sát mép đường biên, ông Trí đã cho trận đấu kết thúc sớm tới vài phút.
Sự cố vỡ sân còn xảy ra với sân Chi Lăng với hơn 30.000 chỗ ngồi ở mùa giải 2009, trong trận đấu giữa Đà Nẵng và Bình Dương. Trận đó, khán giả tràn vào sân, rồi ngồi luôn cả trên đường piste để xem trận đấu. Có khá nhiều người đã trèo rào, bật qua tường để vào sân, trước sự bất lực của lực lượng an ninh sân. Rất may trận đấu đó đã không có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, nhưng sân Chi Lăng sau đó vẫn phải nhận một án phạt của Ban kỷ luật.
Sân Thống Nhất trong trận đấu giữa Xuân Thành Sài Gòn và Hà Nội T&T cuối mùa giải 2012, cũng đã chứng kiến số lượng CĐV đông kỷ lục. Hàng trăm CĐV đã trèo qua hàng rào, đổ xô vào khu vực soát vé, dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy. Để tránh tình trạng vỡ sân, ban tổ chức sau đó quyết định đóng cửa sân sớm.
Trưởng giải Trần Duy Ly đánh giá hiện nay trên cả nước mới chỉ có sân Mỹ Đình là đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh trận đấu. Còn lại các sân đều có nguy cơ xảy ra tình trạng vỡ sân bất cứ lúc nào. Cũng theo ông Ly, biết là có nguy cơ vỡ sân, nhưng để hạn chế sự cố này lại không đơn giản, khi mà vấn đề kinh phí thực sự nan giải. Đa số sân chỉ chú trọng mặt cỏ sân, chứ không thực sự quan tâm đến các yếu tố khác. Thậm chí có sân như Đồng Nai đến giờ vẫn chưa có dàn đèn.
Cũng bởi vì thế, ban tổ chức dường như xác định sống chung với lũ, vỡ sân có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Phương Anh