Sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13. Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 31 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 26/11.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, kỳ họp thứ 10 có khối lượng lớn các dự án luật trình Quốc hội để góp phần hoàn thành cơ bản việc sửa đổi khung pháp lý về hoạt động tư pháp; Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân chủ xã hội, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cụ thể hóa các quyền hiến định của con người, của công dân. Dự kiến Quốc hội xem xét thông qua 13 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến vào 11 dự án Luật.
Về nội dung thảo luận, góp ý kiến cho các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị nên lấy ý kiến tại đoàn và tổng hợp ý kiến gửi đoàn thư ký kỳ họp. Ông Giàu cho rằng, sau khi có ý kiến từ các đoàn, đoàn thư ký sau khi tổng hợp và chọn các vấn đề để thảo luận tại tổ, làm như thế mới có được những ý kiến đóng góp sâu sắc.
Hai Phó chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Tòng Thị Phóng đều đề xuất khi góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng đồng thời cũng cho ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020.
Theo Văn phòng Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp nội dung trình Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; Ủy ban kinh tế đề nghị bổ sung nội dung Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 10 năm 2011-2020; Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
Văn phòng Quốc hội cho hay, Luật tổ chức Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016; theo đó, một số nhiệm vụ phục vụ công tác chuẩn bị, tiến hành các phiên họp tháng 1, 2, 3/2016 của Ủy ban Thường vụ và kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sẽ thuộc trách nhiệm của Tổng thư ký Quốc hội. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung bầu Tổng Thư ký Quốc hội vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10. |
Võ Hải