Việc phóng tên lửa, đưa hai phi hành gia vào không gian hôm 31/5 của SpaceX chỉ là bước tiến nhỏ trong hành trình khám phá vũ trụ của con người. Nhưng với ngành hàng không vũ trụ thương mại, đây là dấu mốc lịch sử, báo hiệu sự thay đổi nhanh chóng với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.
Sự xuất hiện của SpaceX và Elon Musk không chỉ cho thấy tiến bộ của công nghệ. Nó còn phá vỡ thế độc quyền của một ngành công nghiệp từng bị chi phối hoàn toàn bởi một số siêu cường kinh tế. Giờ đây, các tỷ phú ở Thung lũng Silicon có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ bằng nguồn lực tài chính và ý tưởng của riêng mình.
Trong khi Elon Musk đang nổi lên như một hiện tượng, các tỷ phú khác như Jeff Bezos cũng đang theo đuổi các dự án riêng để đưa con người lên mặt trăng, khởi xướng cho tham vọng du lịch không gian và định cư trên sao Hoả.
Sự trỗi dậy của các doanh nghiệp tư nhân cũng đánh dấu sự suy yếu của các chương trình không gian nhà nước, đặc biệt là NASA của Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Các chi phí quá cao và thảm hoạ tàu con thoi Columbia vào năm 2003 cùng hàng loạt vấn đề chậm trễ khác đã khiến vai trò của NASA bị giảm dần trong nhiều năm.
Trong khi đó, các quốc gia khác gồm Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã chứng minh được rằng họ có thể phóng tên lửa của riêng mình một cách hiệu quả với chi phí thấp. Nhiệm vụ phi hình đoàn cuối cùng trên đất Mỹ kết thúc vào năm 2011. Trong gần một thập kỷ sau đó, Mỹ phải phụ thuộc vào Nga để đưa phi hành gia vào không gian.
Thành công của SpaceX không chỉ là niềm tự hào của Elon Musk, nó còn là niềm tự hào của nước Mỹ vì từ giờ họ đã tiến một bước rất xa trong cuộc đua đến sao hoả với sự hỗ trợ của các tỷ phú công nghệ. Giờ đây, SpaceX có thể phóng tên lửa Falcon 9 từ đất Mỹ với giá chỉ 62 triệu USD, rẻ hơn rất nhiều so với chi phí 1,5 tỷ USD trước đó. Việc cắt giảm chi phí đáng kể sẽ là bước ngoặt quan trọng của tương lai du hành vũ trụ.
Khi SpaceX được thành lập vào năm 2002, Musk kiếm được 160 triệu USD. Thay vì tiệc tùng ăn mừng, ông lại miệt mài đọc sách về tên lửa và tuyên bố có thể cắt giảm đến 10 lần chi phí các chuyến bay và mục tiêu lớn hơn là biến sao Hoả thành "thuộc địa" mới của con người.
Trong khi nhiều người mỉa mai, Musk đã lên kế hoạch xây dựng SpaceX, phát triển tên lửa có thể tái sử dụng và gặt hái thành công sau nhiều thử nghiệm thất bại. Giờ đây các cơ quan hàng không vũ trụ chỉ cần mua các tên lửa giá rẻ từ Musk thay vì phụ thuộc vào các tổ chức chính phủ với chi phí đắt đỏ.
Tuy nhiên, Musk không đơn độc trong việc đẩy nhanh cuộc chơi không gian. Khi SpaceX là công ty tư nhân đầu tiên đưa phi hành đoàn lên vũ trụ, thì cũng có những công ty khác như Virgin Galactic và Blue Origin đang chạy đua công nghệ để hướng đến mục tiêu tương tự.
Trong khi Musk vừa lên Twitter ăn mừng chiến thắng, Jeff Bezos cũng đang "bơm" 1 tỷ USD cho Blue Origin, liên doanh du lịch không gian cũng đang phát triển tên lửa tái sử dụng. Trong khi đó, Virgin Galactic được thành lập bởi Richard Branson, cũng ôm tham vọng phát triển ngành du lịch vũ trụ bằng máy bay không người lái thay vì dùng tên lửa.
Đó là những tỷ phú có tầm nhìn, quyết tâm và muốn gánh vác những nhiệm vụ có thể thay đổi lịch sử. Quan trọng hơn cả, họ là những người bản lĩnh, có tiền và tham vọng, vì vậy,E chẳng mấy chốc, cuộc đua bay vào không gian sẽ trở nên sôi động hơn với sự tham gia của khối tư nhân, nhất là những tỷ phú đến từ thung lũng Silicon.
Khương Nha