Sáng 12/8, hội trường T45 của Đại học Thủy lợi lác đác vài thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và chỉnh sửa sai sót. Bộ phận tuyển sinh của trường làm việc thảnh thơi, không phải liên tục tư vấn, nhận hồ sơ.
Một cán bộ tuyển sinh cho hay, suốt đợt xét tuyển đầu tiên thí sinh đến khá đông vào những ngày đầu để thăm dò, nghe tư vấn và chọn ngành, nộp hồ sơ đông vào các ngày 8 đến 10/8. Nhiều em có mức điểm "chơi vơi" hoặc phân vân chưa biết chọn ngành nào dành ngày cuối xét tuyển để quyết định.
Cùng mẹ và bác gái tới trường từ sớm, Nguyễn Thị Huyền (Trung Hòa, Thanh Xuân) có tổng điểm 20,75 sau những ngày phân vân không biết nộp trường nào, cuối cùng chọn nguyện vọng 1 vào khoa Kế toán của Đại học Thủy lợi và nguyện vọng 2 vào Học viện Ngân hàng.
Huyền để ngày cuối cùng mới nộp vì muốn xem lượng hồ sơ vào các trường bao nhiêu, nếu đông quá sẽ không chọn vì sợ điểm số của mình không "chọi" nổi. Từ đầu đợt xét tuyển, em và người nhà đã đến trường 3 lần. "Nộp xong rồi nhưng em vẫn lo lắng, em hy vọng đỗ vào Ngân hàng hơn", Huyền nói.
Bố con thí sinh Trần Quang Linh từ Mỹ Lộc (Nam Định) lên Hà Nội rất sớm, vào Đại học Thủy lợi nghe tư vấn về ngành nghề rồi lại sang Đại học Xây dựng để tham khảo tiếp mới quyết định nộp hồ sơ. Nguyện vọng 1 của Linh vào một trường khối công an nhưng với 19 điểm khối D, cậu ít có hy vọng nên đăng ký thêm trường ngoài. "Từ giờ đến trước 17h chiều chắc em sẽ quyết định", Linh nói.
GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu phó Đại học Thủy lợi cho biết, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường dao động đều 200-500 mỗi ngày, tạo sự dễ dàng cho trường trong việc tiếp nhận cũng như tư vấn cho thí sinh. Tại nơi đăng ký xét tuyển, trường đã dán sẵn thông tin ngành nghề, chỉ tiêu cũng như điểm chuẩn năm trước để thí sinh tham khảo ngành phù hợp.
Đến sáng 12/8, Đại học Thủy lợi nhận được hơn 3.000 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1. Dù chưa có cơ hội phân tích kỹ số điểm, nhưng qua sơ bộ thấy phổ điểm dao động 18 đến 23. "Điểm chuẩn dự kiến của trường năm nay so với năm trước sẽ không thay đổi nhiều, ngành hot vẫn cao điểm", ông Thụ nói.
Theo Hiệu phó Thụ, để tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, Bộ cho phép các em đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 2 trường. Riêng thí sinh xét trong nhóm GX có thể đăng ký tối đa tới 4 nguyện vọng vào 4 trường khác nhau cùng trong nhóm. Điều này đồng nghĩa với việc các trường phải chấp nhận hồ sơ ảo rất cao.
Buổi trưa tại hội trường Đại học Kinh tế quốc dân, lượng thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ đông hơn các trường khác. Song cán bộ tuyển sinh không còn phải mặt đầm đìa mồ hôi, liên tục nhận hoặc làm thủ tục hồ sơ cho cả nghìn thí sinh như năm ngoái.
Trần Thị Hà cho biết từ Hải Phòng lên Hà Nội đã mấy ngày nhưng chọn ngày cuối cùng để nộp hồ sơ vì muốn nghe ngóng thêm thông tin. Hà cho rằng số điểm 23,75 mình đạt được là "chơi vơi giữa ngưỡng điểm đậu và rớt" nên cần cân nhắc thật kỹ. Muốn vào khoa "hot" hơn nhưng sợ không đủ sức, cuối cùng Hà chọn nộp vào khoa Kinh tế năm trước lấy điểm chuẩn 24,25 và thấp thỏm chờ ngày trường công bố. Ngoài trường này, Hà nộp nguyện vọng 2 vào Học viện Ngân hàng nhưng vẫn hy vọng trúng tuyển Đại học Kinh tế quốc dân.
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân cho biết sáng nay trường nhận thêm khoảng 50 hồ sơ xét tuyển, thấp hơn rất nhiều so với những ngày trước đó. "Trong suốt 12 ngày qua, hôm nay là ngày ít vất vả nhất. Không có ngày nào quá tải thí sinh nhưng có hai ngày đông nhất là 4/8 và 8/8, trường thu được khoảng 700 hồ sơ", ông Triệu thông tin.
Trưởng phòng Triệu nhớ lại thời điểm này năm trước, vì được thay đổi nguyện vọng nên cả nghìn thí sinh chen chúc đến trường làm thủ tục nộp - rút hồ sơ. Năm nay, những bất cập trong xét tuyển hầu như đã được khắc phục.
Để đảm bảo công bằng cho thí sinh, trường không đăng ký nhận thông tin từ gói dữ liệu xét tuyển trực tuyến của Bộ, chỉ chờ ngày cuối cùng Bộ gửi về mới kết hợp với dữ liệu của trường để tổng hợp, biết chính xác tổng số thí sinh đăng ký vào Đại học Kinh tế quốc dân. Song theo ước lượng của ông Triệu, có hơn 6.000 hồ sơ nộp vào trường, với chỉ tiêu 4.800 thì hệ số dôi dư khoảng 1,3 - rất thấp.
"Nhưng đã vào nhóm GX thì chúng tôi cũng không lo lắng lắm về lượng thí sinh ảo. Đây là một phép toán mà mỗi trường cần có lời giải riêng mà chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm", ông đánh giá.
Vào 17h chiều nay khi kết thúc thời gian xét tuyển, bộ phận kỹ thuật của 12 trường trong nhóm GX sẽ họp để nghiên cứu phổ điểm, tổng hợp lượng thí sinh đăng ký trong và ngoài nhóm, chạy thử các phương án điểm chuẩn. Những hồ sơ nộp qua đường bưu điện trong ngày 12/8 sẽ được đóng dấu niêm phong, tập hợp về Đại học Bách khoa Hà Nội. Trên cơ sở đó, các trường sẽ ngồi lại nhóm họp và mở một cách công khai, đảm bảo chắc chắn không có sự thay đổi nguyện vọng của thí sinh. Sáng 13/8, ban giám hiệu của 12 trường sẽ cân nhắc điểm chuẩn vào các ngành của mỗi trường và công bố trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Giáo dục Bùi Văn Ga cho biết, đến 18h chiều 11/8, có 390.000 em đăng ký vào hệ thống của Bộ trong tổng số 404.000 thí sinh có điểm trên điểm sàn. Tính cả số lượng thí sinh nộp qua bưu điện các trường chưa kịp nhập vào hệ thống thì hầu như tất cả em có kết quả thi trên điểm sàn đều đã đăng ký hết. Tối nay, các trường sẽ tải dữ liệu về để làm thủ tục xét tuyển. Trường nào hoàn tất sớm nhất việc xét tuyển thì có thể công bố kết quả trong ngày 13/8.
Phương Hòa