Trong buổi làm việc giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo với các Sở Giáo dục và trường ĐH, CĐ phía Nam mới đây, đại diện của nhiều trường cho rằng nếu để học sinh lấy kết quả từ kỳ thi chung để xét tuyển ĐH, CĐ tự do thì không thể kiểm soát được tỷ lệ hồ sơ ảo của năm nay.
Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH SP Kỹ thuật TP HCM cho rằng kỳ thi năm nay trên thực tế cũng giống như mọi năm, chỉ có điều Bộ đã tổ chức lại thành 2 trong 1.
Khi có kết quả thi tốt nghiệp, học sinh có thể làm rất nhiều hồ sơ để nộp vào các trường ĐH, CĐ, nhất là năm nay các em có thể đăng ký xét tuyển trên mạng. Do đó tỷ lệ ảo năm nay sẽ tăng rất cao.
"Để hạn chế tình trạng này tôi cho rằng Bộ Giáo dục nên phân các trường ĐH thành 3 top. Trong đó, những trường lấy điểm chuẩn trên 17 sẽ là trường top 1; từ 15-17 điểm thuộc top 2 và các trường lấy ngang điểm sàn là top 3. Việc tuyển sinh cứ để trường top trên tuyển trước, sau đó 'lọt sàng xuống nia' nếu rớt trường trên các em sẽ vào trường top dưới như vậy sẽ hạn chế được tỷ lệ thí sinh ảo", ông Dũng nói và bày tỏ hy vọng Bộ có biện pháp để hạn chế được tối đa tình trạng hồ sơ ảo cho các trường.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp nói: "Tôi cho rằng để hạn chế lượng hồ sơ ảo, các đơn vị liên quan phải hạn chế cấp giấy xét tuyển ĐH, CĐ. Tối đa mỗi thí sinh chỉ được cấp khoảng 3 phiếu xét tuyển để các em có sự lựa chọn còn các trường thì đỡ vất vả trong tuyển sinh. Sau kỳ thi tốt nghiệp Bộ nên để các trường phân chia tổ chức thành 3 đợt xét tuyển khác nhau và mỗi đợt chỉ nên kéo dài khoảng 10 ngày".
Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM, đánh giá việc tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH trong năm nay không bị ảnh hưởng từ kỳ thi chung vì các trường vẫn có quyền đưa ra đề án tuyển sinh riêng. Việc Bộ để các trường đứng ra chủ trì kỳ thi quốc gia là một hướng đi đúng đắn, trường sẽ an tâm hơn về chất lượng từ kỳ thi chung.
ĐH Luật TP HCM năm nay điểm xét tuyển sẽ là 100%, trong đó 20% điểm được xét từ kết quả của 5 học kỳ cuối của bậc THPT, 60% sẽ xét từ kỳ thi quốc gia và vẫn chia theo khối. 20% còn lại trường dự kiến là tổ chức thêm môn thi “Logic tự luận”.
Tuy nhiên, bà Quỳ cũng không tránh khỏi lo lắng về việc kiểm soát hồ sơ ảo. Bà cho biết, hàng năm ĐH Luật luôn giao cho bộ phận tuyển sinh của trường nghiên cứu hồ sơ của thí sinh để dự đoán tỷ lệ hồ sơ ảo nhằm tuyển được đủ số sinh viên theo chỉ tiêu. Quân bình mỗi năm ĐH Luật có 25-30% thí sinh ảo không nhập học sau khi đã có kết quả trúng tuyển.
Tuy nhiên với tình hình tuyển sinh như Bộ nêu ra năm nay, Hiệu trưởng Quỳ lo ngại bộ phận tuyển sinh của các trường không thể dựa trên số lượng hồ sơ nộp vào để dự đoán tỷ lệ ảo. Điều này khiến cho nhiều trường khó khăn trong việc tuyển sinh viên.
Bên cạnh hồ sơ ảo, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết vẫn còn rất nhiều băn khoăn trong kỳ thi này. "Bộ giao cho các trường ĐH tổ chức cụm thi nhưng Sở Giáo dục lại là đơn vị cấp bằng. Chúng tôi lấy cơ sở nào để làm việc này khi không đứng ra tổ chức kỳ thi đó”, ông Phương nói. Hơn nữa, về mặt nguyên tắc xưa nay kỳ thi tốt nghiệp do địa phương tổ chức do vậy UBND các tỉnh sẽ là đơn vị chỉ đạo và cấp ngân sách. "Bây giờ giao cho các trường đứng ra tổ chức thì ngân sách ai lo", Phương đặt vấn đề.
Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Bình Dương còn tỏ ra lo lắng khi cho rằng việc tổ chức thi theo cụm, học sinh phải dồn về một nơi thì áp lực về việc đi lại, ăn ở là rất lớn. "Theo tôi kỳ thi tốt nghiệp là kỳ thi quốc gia nhưng quyền tuyển sinh đại học nên để cho các trường ĐH, CĐ tự chủ. Các trường sẽ tự biết tuyển sinh như thế nào", ông Phương nêu ý kiến.
Trong khi đó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang quan ngại, đến lúc này Bộ vẫn chưa công bố chính thức có bao nhiêu cụm thi và cách tổ chức xây dựng từng cụm như thế nào nên các Sở, các trường không thể định hướng được. Ông đề xuất Bộ cần phải tăng số cụm thi lên để giảm bớt khoảng cách đi lại cho học sinh.
Ngoài ra ông Giang cũng nêu thắc mắc về đề thi năm nay, học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi theo đề thi chung quốc gia hay có đề riêng như mọi năm.
Trong khi đó, ông Lê Minh Hoàng, giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Đồng Nai, thì lại cho rằng nếu cho học sinh thi theo cụm sẽ gây khó khăn cho các em nếu số cụm thi quá ít. Bộ đã giao cho các trường ĐH đứng ra tổ chức thi, tuy nhiên ở một số tỉnh số lượng trường ĐH rất ít. Nếu như toàn tỉnh tập trung vào đây thì các trường không thể nào tải hết.
Ông cũng khẳng định, mặc dù Bộ giao cho các trường ĐH đứng ra tự chủ trong kỳ thi này nhưng Sở giáo dục của các tỉnh đều phải có trách nhiệm lớn trong vấn đề tuyển sinh.
Về đội ngũ chấm chi, ông Hoàng cho rằng nên để giáo viên phổ thông làm việc này vì chính họ là người có chuyên môn và nắm vững nhất những kiến thức ở bậc THPT. Trên thực tế, hàng năm các trường ĐH vẫn phải thuê giáo viên từ các trường phổ thông chấm thi chứ không phải giảng viên trong trường thực hiện điều này.
Cũng trong buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bùi Văn Ga cũng thông tin thêm một vài nội dung quan trọng trong kỳ thi quốc gia năm nay. Trong đó, đề thi sẽ là một đề thi chung, không có sự phân biệt giữa học sinh hệ THPT và học sinh hệ bổ túc. Còn phần kinh phí tuyển sinh sẽ dựa trên mức đóc góp chính của thí sinh. Các địa phương sẽ tùy vào tình hình cụ thể để có mức thu chi phù hợp.
Về ngưỡng điểm tối thiểu, năm nay xác định điểm 3-4 là mức điểm trung bình.
Nguyễn Loan